Sau khi hình thành bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, Bộ Công an tham mưu với Thủ tướng chính phủ để ra Đề án 06, đi vào thực tiễn, giải quyết 5 nhóm vấn đề: tập trung giải quyết tiện ích, dịch vụ công thực sự thiết yếu, không tràn lan (25 dịch vụ đã được triển khai, 23 dịch vụ thành công, 2 dịch vụ liên thông sẽ hoàn thành tháng 6); nhóm tạo lập phát triển kinh tế số; nhóm tạo lập công dân số; nhóm tạo lập bộ dữ liệu dùng chung; nhóm tham mưu hoạch định chính sách lớn.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia, giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội nhận định, với Đề án 06, chúng ta có đầy đủ giải pháp để tạo lập đầy đủ công cụ cho người dân tham gia môi trường số.

Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư ra đời đã tạo lập dữ liệu, cắt giảm những dữ liệu chung trường thông tin công dân. Ví dụ, tại Thái Nguyên, chỉ cần sử dụng trên CSDL quốc gia về dân cư để cập nhật thêm nội dung, nghiệp vụ của ngành tư pháp vào hệ thống dân cư. Nó là gốc để các đơn vị thiết lập dữ liệu trước đây đối sánh, làm sạch, thống nhất chung một dữ liệu.

Công an xã Vạn Xuân huyện Thường Xuân đến từng thôn, bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: CA Thanh Hóa)

Sau một năm triển khai, đối với nhóm dịch vụ công, hạ tầng công nghệ trực tuyến, hệ thống một cửa cơ bản đảm bảo an ninh, an toàn, tạo biểu mẫu điện tử e-form tự điền thông tin công dân. Đã góp phần tiết kiệm hơn 1,6 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước với 15 dịch vụ công thiết yếu, người dân và cắt giảm các thủ tục liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú gần 300 dịch vụ, cắt giảm trên 1.000 dịch vụ; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến người dân tham gia trên 35%, có những dịch vụ công đạt gần 100% như xác nhận Chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100% tiết kiệm 0,9 tỷ đồng.

Thông báo lưu trú 98,3%, tiết kiệm hơn 206 tỷ đồng; thủ tục làm con dấu mới 90,8%, tiết kiệm 1,3 tỷ đồng; đăng ký thi THPT online 93,1%, tiết kiệm 270,9 tỷ đồng; Cấp điện mới, thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện gần như 100%, tiết kiệm 97,3 tỷ đồng.

Đăng ký biển số xe tiết kiệm 134 tỷ đồng; Liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em tiết kiệm 11,37 tỷ đồng; Phân cấp triển khai đăng ký xe máy về hơn 2.000 cấp xã, tổ chức cấp hộ chiếu online, đã tạo thuận lợi, được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Đối với nhóm công dân số, đã tích hợp căn cước công dân (CCCD) điện tử, sổ tay y tế, sổ hộ khẩu điện tử, bảo hiểm để sử dụng và các giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe đã được cơ quan chuyên ngành xác thực để chuẩn bị sử dụng và gần một triệu công dân sử dụng để tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID.

Đối với nhóm phát triển kinh tế số, tích hợp thông tin thẻ Bảo hiểm y tế thay thế bằng thẻ CCCD gắn chip điện tử đã được triển khai hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng CCCD, đạt 94%, tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy (24,7 tỷ đồng).

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, chúng ta đã tạo lập những giải pháp như chấm điểm tín dụng công dân, xác thực nhiều trường thông tin công dân. Giải pháp giúp người dân tiếp cận vay vốn tín chấp, đặc biệt là người yếu thế, loại trừ tội phạm lợi dụng tín dụng đen để thực hiện hành vi phạm tội. Công dân số được trang bị chữ ký số miễn phí khi sử dụng chữ ký số để tham gia vào các thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước.

Lĩnh vực bảo hiểm đã triển khai xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD (2 điểm tại Hà Nội và Bình Dương), quá trình triển khai đã phát hiện 3 trường hợp sử dụng thẻ CCCD trục lợi bảo hiểm với số tiền là hơn 200 triệu đồng, chuyển hồ sơ Cơ quan Công an xử lý theo quy định. Khi thí điểm xác thực sinh trắc học trong khám chữa bệnh tại Bình Định, chỉ mất 6 đến 13 giây để đăng ký khám chữa bệnh thành công, cắt giảm toàn bộ nhân viên tiếp nhận bệnh nhân.

Trong lĩnh vực giáo dục, đăng ký thi online đã tiết kiệm 50 tỷ đồng kinh phí mua hồ sơ, ảnh thẻ cho học sinh, sinh viên; 2 dịch vụ công liên thông: Một biểu mẫu điện tử chung, qua đó cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường thông tin bị trùng lặp tiết kiệm được 11,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xác thực, làm sạch thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng.

Với nhóm tạo lập dữ liệu dùng chung, bước đầu điện tử hóa dữ liệu cho ngành tư pháp, lao động thương binh xã hội, các hội, đoàn thể… là nền tảng để bảo hiểm, y tế, tài chính, giáo dục đối sánh dữ liệu và thống nhất sử dụng số định danh công dân duy nhất. Đặc biệt, C06 đã tập trung nguồn lực, phối hợp triển khai thí điểm cho 8 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Hà Nam, Nghệ An, Nam Định, Bình Dương, riêng việc thực hiện số hóa 1,13 triệu dữ liệu hộ tịch tại Thái Nguyên trong 47 ngày đã giúp thông tin dữ liệu được chính xác, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng và thời gian, đồng bộ thống nhất dữ liệu phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính tại địa phương.

Với nhóm tham mưu, hoạch định chính sách, đã tham mưu phân luồng tiêm vắc xin, giáo dục, phân tích dữ liệu dân cư tham mưu cho UBND các tỉnh, Văn phòng Chính phủ. Kết nối hệ thống định danh quốc gia (SSO) tài khoản VNeID với ứng dụng công dân số của các địa phương cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu dân cư, tình hình di biến động người dân, đánh giá tình hình an ninh trật tự, thống kê phân tích dữ liệu trẻ em, độ tuổi đi học, nghĩa vụ quân sự, người nghèo, cận nghèo… trên địa bàn các tỉnh.

Đại tá Vũ Văn Tấn nhận định, dữ liệu nếu chỉ đơn chiều sẽ không giải quyết được gì, mà chỉ phục vụ đúng ngành đó. Để có hoạch định chính sách lớn tầm quốc gia, vùng miền phải có dữ liệu đa chiều, xóa bỏ cát cứ dữ liệu. Chúng ta dễ gặp nguy cơ tạo các đường thẳng song song, không thể tạo lập được để hoạch định chính sách tổng thể.