Với nhiều gia đình, số tiền 100 triệu đồng là khá lớn, do vậy trước khi gửi tiết kiệm rất nhiều khách hàng quan tâm đến mức lãi suất nhận được. Theo ghi nhận của phóng viên, trong tháng 12/2020 mức lãi suất tiết kiệm đang được các nhà băng áp dụng có sự chênh lệch đáng kể. Hiện lãi suất không kỳ hạn dao động từ 0,1 đến 0,25%/năm, mức lãi suất cao thường được các nhà băng áp dụng với những kỳ hạn dài từ 12 đến 36 tháng.

{keywords}
Bất chấp xu hướng lãi suất tiết kiệm giảm nhưng đây vẫn là kênh đầu tư an toàn với nhiều gia đình

Ở kỳ hạn 1 tháng, lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy dao động từ 3,1%/năm đến 4%/năm. Do đó, với số tiền 100 triệu đồng gửi ở kỳ hạn này khách hàng sẽ nhận được số tiền lãi trong khoảng 250.000 đến 335.0000đ.

Với những khách hàng gửi tiết kiệm online lãi suất kỳ hạn 1 tháng được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 3,5% - 4%/năm, do đó số tiền lãi nhận được dao động trong khoảng 290.000đ-335.000đ.

Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đang áp dụng từ 3,9%- 6,2%, những khách hàng gửi tiết kiệm online được nhận lãi suất dao động từ 5,8% đến 6,45%. Trong đó, nhóm ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 3,9 và 4%/năm, cao nhất thuộc về ngân hàng CBBank khi lãi suất huy động online lên tới 6,7%/năm.

Với kỳ hạn 6 tháng, số tiền lãi nhận được của khách hàng với khoản tiền gửi 100 triệu đồng dao động từ 1,95 triệu đồng đến 3,26 triệu đồng.

Tại kỳ hạn gửi tiết kiệm 9 tháng, lãi suất các ngân hàng đang áp dụng phổ biến ở mức 4% đến 6,75%/năm tùy ngân hàng. Trong đó, lãi cao nhất thuộc về ngân hàng NCB.

Với những khách hàng gửi tiết kiệm online, mức lãi suất được các ngân hàng áp dụng từ 5,75% đến 6,75%/năm. Ở kỳ hạn này rất nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 6%/năm như Bắc Á, Bảo Việt, CBBank, GPBank, Kiên Long, Nam Á, OCB, PVcomBank, SCB, SHB.

Ở kỳ hạn 9 tháng, với số tiền gửi tiết kiệm 100 triệu đồng khách hàng sẽ nhận được số tiền lãi cuối kỳ từ 3 đến 5,1 triệu đồng tùy ngân hàng.

Tại kỳ hạn 12 tháng, 4 ngân hàng lớn là Nông Nghiệp, BIDV, Vietcombank và Vietinbank đều áp dụng mức lãi suất là 5,6%/năm. Trong khi đó, VPBank có mức lãi suất huy động thấp nhất chỉ 5,2%/năm và cao nhất thuộc về ngân hàng SCB với mức lãi suất huy động lên tới 7,3%/năm.

Ở hình thức gửi tiết kiệm online, mức lãi suất huy động của các ngân hàng dao động ở mức 5,75% của ngân hàng VietinBank và cao nhất là 7,1% thuộc về ngân hàng Kiên Long.

Với kỳ hạn 12 tháng, số tiền khách hàng nhận được từ khoản tiết kiệm 100 triệu đồng dao động từ 5,6 đến 7,3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng dành những mức lãi suất hấp dẫn cho những khách hàng gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài từ 13 đến 36 tháng. Ở kỳ hạn 13 tháng, Kiên Long có mức lãi suất huy động cao nhất là 7,1% với gửi tiết kiệm tại quầy và 7,3% với gửi tiết kiệm online. Trong khi ngân hàng MB áp dụng mức lãi suất kỳ hạn này chỉ 5,4% và thuộc nhóm thấp nhất trong số các nhà băng. Do đó, với 100 triệu đồng, khách hàng nhận được số tiền lãi là 5,85 – 7,9 triệu đồng.

Trong khi đó, ở kỳ hạn 24 tháng, NCB có mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất là 7,3%, trong khi lãi suất gửi online cao nhất thuộc về ngân hàng Kiên Long với mức lãi suất cũng là 7,3%. Với số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng, khách hàng nhận được khoản lãi cuối kỳ dao động ở mức 12,6 - 14,6 triệu đồng.

Ở kỳ hạn 36 tháng, các ngân hàng huy động lãi suất từ 5,75%/năm đến 7,3%/năm. Với 100 triệu đồng gửi tiết kiệm, khách hàng nhận được số tiền lãi cuối kỳ dao động ở mức 17,25 - 21,9 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi gửi tiền có kỳ hạn, khách hàng không nên rút tiền trước hạn dù chỉ 1 đến 2 ngày vì lúc này, toàn bộ số tiền lãi sẽ được tính theo lãi suất không kỳ hạn, thấp hơn rất nhiều so với lãi có kỳ hạn.  

Phần lớn ngân hàng hiện nay nếu đến hạn mà người gửi không rút tiền lãi, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ tự động gia hạn và số tiền lãi sẽ được cộng vào số tiền gửi. Điều này có nghĩa là vào kỳ sau, số tiền lãi bạn nhận được sẽ tính theo tổng số tiền gửi ban đầu và tiền lãi của kỳ trước.

Mỗi ngân hàng sẽ có quy định riêng về số ngày trong năm, có ngân hàng tính là 360 ngày, cũng có ngân hàng là 365 ngày. Vì thế khách hàng khi gửi tiền cần hỏi rõ ngân hàng về điều này để quản lý dòng tiền tốt hơn.

(Theo Dân Việt)