Thực ra, dạy học online hay dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu. Cá nhân tôi tham gia vào các hoạt động này từ khi là sinh viên năm thứ 3 (khoảng năm 2002), lúc bắt đầu tham gia soạn tài liệu cho một đơn vị nước ngoài.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, những năm gần đây các ứng dụng học online mọc ra như nấm, nhưng thú thực, rất nhiều trường học lại "vờ như không biết". Ngay cả khi đi chấm thi giáo viên dạy giỏi, tôi cũng ít khi thấy được những ứng dụng thiết thực khiến cho bài giảng có màu sắc "công nghệ thông tin".
Từ khi công văn 793 của Bộ GD-ĐT ban hành và tôi có viết một vài điều về đánh giá chất lượng dạy học online, thì tôi thấy anh chị em giáo viên, quản lí các trường có vẻ đã quan tâm nhiều hơn.
Có những người bày tỏ rằng họ rất bức xúc trước chất lượng dạy online, nhất là hành xử của học sinh (chưa tự học, có bình luận chưa tốt...), tốc độ đường truyền, chất lượng phần mềm, và nhất là phương pháp dạy học của giáo viên.
Phương pháp dạy online đòi hỏi kĩ năng sử dụng công nghệ của giáo viên phải tốt |
Để dạy học online tốt, giáo viên cũng phải tự học, trang bị thêm cho mình kiến thức và kỹ năng.
Phương pháp dạy online đòi hỏi kĩ năng sử dụng công nghệ của giáo viên phải tốt. Quan sát các giáo viên được cho là dạy online tốt sẽ thấy, họ rất vất vả để thích ứng với phần mềm dạy học, và rất chăm chỉ rèn luyện, chuyển đổi các hành vi truyền thống sang làm việc với phần mềm như: Soạn bài phải phân nhánh/ phân hóa, phải chú ý những điểm nhấn công nghệ để thu hút, cần có những kĩ thuật hỗ trợ (ví dụ như môn Toán thì không thể thiếu phần mềm dạy học toán)...
Bên cạnh đó, phải học cách tương tác, quản lí học sinh tốt. Đây cũng là tiêu chí để phân loại kiểu học online. Có kiểu học mà nhiều người nói đùa khác gì xem phim, vì không có tương tác. Nhưng để thực sự là dạy online thì việc tương tác là quan trọng nhất. Tương tác để đánh giá mức độ tiếp nhận, sự tham gia của người học..., và đặc biệt là tự đánh giá và đánh giá phản hồi. Những điều này đa phần giáo viên chưa để ý đến, vì họ vẫn có thói quen "truyền thụ kiến thức". Trong khi dạy học online thì là một điển hình cho hoạt động hóa người học. Khi đó, người dạy sẽ làm vai trò: thiết kế + tổ chức + ủy thác + đánh giá. Vì vậy giáo viên phải chọn được phần mềm hỗ trợ tương tác tốt.
Dạy trực tuyến phải sẵn sàng đối mặt với rủi ro
Dạy học online là không ít rủi ro, đòi hỏi "bình đẳng", nghĩa là khoảng cách thầy trò xa về địa lí nhưng cực gần vì có “cái máy”. Cho nên mối quan hệ này dân chủ hơn bao giờ hết, chưa kể có những vấn đề thuộc về kĩ thuật (máy móc, đường truyền, phần mềm ...) khiến cho tương tác không hiệu quả. Do đó tính kiểm soát được của giáo viên không cao bằng dạy trực tiếp.
Vì thế, giáo viên hãy thả lỏng và thực sự cầu thị để cải tiến kỹ năng của mình. Một số đồng nghiệp của tôi đã không thành công khi dạy học online những ngày qua, họ đang rất buồn vì nghĩ rằng mình bị tổn thương về danh dự, năng lực dạy online không tương đồng với dạy trực tiếp.
Lời tâm sự của tôi dành cho các đồng nghiệp là: Hãy tích cực đón nhận điều đó, và hãy chia sẻ với phụ huynh, với người học rằng “Cô cũng đang tự học, cô nhận ra những gian nan, và cô cần thời gian để làm tốt hơn”.
Hãy dũng cảm thử một cách làm mới. Sẽ giống như ngày trẻ, mắc sai lầm, thấy khó khăn... nhưng như thế là ta còn trẻ, còn được có cơ hội để làm. Đừng chống trả, nếu không chúng ta không xứng đáng để dẫn dắt những người trẻ bước vào một thế giới đầy biến động.
Không phải nội dung nào cũng dạy được online, và dạy online là không hoàn toàn không có hại Tôi khuyến nghị rằng trẻ em (dưới 10 tuổi) không nên tiếp xúc với máy tính, màn hình tivi, điện thoại quá 2 tiếng / ngày. Ngay cả với con gái lớn của tôi, cháu đã 12 tuổi, nhưng những ngày qua cháu học liên tục (vì trường cháu áp dụng mô hình này) khiến cho sức khỏe của cháu cũng có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Tôi sợ nhất là các cháu sẽ bị hại về mắt, chức năng vận động, bệnh cột sống… Còn như một người làm nghiên cứu giáo dục lão thành mà tôi được làm việc cùng đã tỏ ra rất e ngại, khi không có một giải pháp đồng bộ cho trẻ em. Phá vỡ một nhịp điệu sống là một điều gây ra tác hại không hề nhỏ đối với trẻ em, ông nói “Hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận tác hại về sinh lý của những đứa trẻ chỉ ở trong nhà và xem màn hình, hãy đem những hiểu biết tâm lí để áp dụng ra hành động, và hãy đóng vai chúng, cô Thơ ạ”. |
Chu Cẩm Thơ
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục giảm nhẹ chương trình
- Đó là một trong những nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.