"Khi chúng tôi nói đến AI trong báo chí, ai cũng nói nó xa vời"

Quan điểm trên được ông Lê Quốc Minh đưa ra tại phiên thảo luận “Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (Đài Truyền hình Việt Nam) tổ chức sáng 24/5. Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã chỉ ra xu hướng cũng như những cơ hội, thách thức đặt ra với các cơ quan báo chí trong môi trường thông tin đa chiều, đa dạng.

Tại phiên thảo luận, các chuyên gia cho biết chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông hiện nay là tất yếu. Theo ông Lê Quốc Minh nhiều vấn đề vài năm trước còn xa lạ nhưng nay đã gắn với các hoạt động của cơ quan báo chí.

Phiên thảo luận “Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế". Ảnh minh họa: VTVnews

“Khi chúng tôi nói đến vấn đề đa nền tảng, nhiều người cho rằng nó không thực tế với Việt Nam. Khi chúng tôi nói về tin giả vào năm 2016 thì không ai tin cả. Khi chúng tôi nói về AI trong báo chí vào năm 2018 mọi người cũng cho rằng nó rất xa vời. Bây giờ tất cả đều xảy ra và nó gắn liền với hoạt động của các cơ quan báo chí”, ông Minh nói. Tuy nhiên, ông cũng nêu quan điểm cần phải nắm bắt xu hướng và kịp thời chuyển đổi: “Nếu không nắm bắt được những xu hướng thì những điều tưởng như tất yếu chưa chắc đã xảy ra đối với mình”. 

Chia sẻ thêm về hoạt động chuyển đổi số tại Báo Nhân Dân, ông Lê Quốc Minh cho biết, tờ báo này đã chuyển sang ưu tiên các nội dung lên nền tảng số (Digital first), nhiều nội dung chưa thành tin đã được đẩy lên các hệ thống mạng xã hội để tiếp cận độc giả. 

Nói về góc nhìn xu hướng chuyển đổi số, ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam cho hay: “Việc sản xuất, phân phối nội dung và hạ tầng kỹ thuật công nghệ phải tạo ra cùng sức mạnh của một hệ thống thì mới có thể phát triển được”.

Còn theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Tập đoàn Yeah1, hiện nay không nên băn khoăn chuyển đổi số đi đâu về đâu nữa mà tập trung vào việc dựa trên các lợi thế hiện tại làm sao để tạo ra các nội dung có thể tương tác với hàng tỷ người trên thế giới. Vị này cũng cho hay, các đơn vị báo chí có thể tận dụng các nền tảng để lan tỏa nội dung theo các mục tiêu của mình.

Báo chí phải nắm được dữ liệu người dùng

Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết, trong thời gian dài, các cơ quan báo chí và nhà sản xuất nội dung phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, những năm gần đây, tư duy của các cơ quan báo chí đã thay đổi nhiều.

Ông Lê Quốc Minh nêu ra một thực tế, là khi dựa vào nhiều nền tảng, các cơ quan báo chí, truyền thông có được lượng truy cập nhưng lại không có độc giả, khán giả, bởi tờ báo không nắm được dữ liệu độc giả thì không nhắm đến đúng đối tượng, không biết được độc giả là ai, đến từ đâu. “Các cơ quan báo chí hiện nay phải quay trở lại nắm được dữ liệu người dùng, đây là việc vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta không nắm được dữ liệu người dùng, phụ thuộc vào các nền tảng và các phương thức khác thì cơ quan báo chí không thể cung cấp được các nội dung nhắm đúng đến các đối tượng chứ chưa nói đến chuyện cá nhân hóa nội dung”, ông Minh nói.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ tại thảo luận

Theo vị chuyên gia, để xây dựng nền tảng riêng rất khó, nhưng chúng ta phải chủ động thu thập dữ liệu độc giả, nếu hiểu và có được mối quan hệ với độc giả thì nắm phần thắng ít nhất 50%. Do đó, xu hướng của báo chí hiện nay là không nên phụ thuộc vào các nền tảng mà cần nắm dữ liệu độc giả để chủ động trong sản xuất nội dung.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí không chạy đua với các nền tảng. Lâu nay báo chí dựa quá nhiều vào các nền tảng để phân phối thông tin và tạo doanh thu, hiện đang có xu thế thế giới là các báo bắt tay nhau, để có lượng người dùng đủ lớn, sau đó kinh doanh nội dung. Ngoài ra, cần lưu ý quan tâm đến các độc giả trung thành, thay vì chỉ chạy theo số lượng người đọc.

"Theo thống kê, người xem trung thành thường chiếm 20% và chúng ta cần đưa cho họ nội dung tốt để giữ chân họ. Những người đi ngang qua chiếm tới 80% nhưng không mang lại giá trị. Do đó, các cơ quan báo chí cần dành năng lượng, vật chất, thời gian để giữ những độc giả trung thành, những độc giả quan trọng và mang lại lợi ích cho chúng ta", ông Minh chia sẻ.

Đang trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược chuyển đổi số báo chí

Tại phiên tọa đàm, lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến 2025 tầm nhìn 2030 đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ.  Dưới góc độ của cơ quan quản lý, vị này cho rằng nếu không chuyển đổi số chắc chắn là chết, nhưng khó khăn là đầu tư thế nào và bắt đầu ra sao.

“Hiện nhiều cơ quan báo chí tự cân đối ngân sách cũng rất khó khăn chứ không nói gì đến câu chuyện đầu tư phát triển. Do đó nhà nước cũng có thể có những nguồn lực để đầu tư từ nguồn ngân sách. Nhưng nhà nước có vai trò quan trọng hơn là kéo những doanh nghiệp trong nước có hạ tầng số có thể đồng hành với chuyển đổi số của báo chí”.  Theo chia sẻ, ở đây không phải là doanh nghiệp giúp báo chí mà là sự cộng sinh trong hệ sinh thái số. Trong đó, nội dung là hàng hoá quan trọng nhất của hạ tầng số.

Nhà nước cũng sẽ có những định hướng, dẫn dắt các cơ quan báo chí nên làm gì trước, sao cho vừa sức, có những cách làm chuyển đối số nói ít làm nhiều, đi theo cách hiệu quả.

Duy Vũ