Sáng 26/1, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban Cơ quan chủ quản Tạp chí.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thời gian qua, các cơ quan chủ quản tạp chí đã phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cơ quan tạp chí trực thuộc, nhất là chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin.

z5107356636014 63661cad67f26392527720a740c83027.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Thạch Thảo

Nhiều cơ quan chủ quản đã chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của cơ quan tạp chí trực thuộc.

Đồng thời, một số tạp chí đã kịp thời bắt nhịp, thay đổi mạnh mẽ về nội dung và phương thức phát hành theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, thực hiện tốt chức năng định hướng thông tin, nghiên cứu lý luận, khoa học và hướng dẫn nghiệp vụ; chú trọng đi sâu vào những đề tài mới.

Tuy nhiên, một số ý kiến tại hội nghị cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng các tạp chí vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí và thông tin trên mạng internet. Vẫn còn tình trạng tạp chí điện tử vi phạm pháp luật, “báo hóa” tạp chí, một trong những vấn đề đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Một số cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, để các cơ quan tạp chí vi phạm nghiêm trọng về tôn chỉ mục đích, dẫn đến vi phạm quy định của pháp luật về báo chí, thậm chí vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng điều tra khởi tố, bắt tạm giam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu ra những nhiệm vụ lớn sẽ thực hiện trong năm 2024. Đề cập đến Luật Báo chí (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết sẽ cố gắng thể chế hóa tất cả quan điểm, chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực báo chí vào trong luật.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ căn cứ vào đề án thành lập, thực trạng hoạt động… xem xét triệt để những bất cập trong quá trình hoạt động của cơ quan báo chí.

“Nếu kiểm tra theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật và ngay cả đề án xin phép thành lập, nhiều cơ quan báo chí sẽ ‘việt vị’ không đủ điều kiện hoạt động”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.

z5107110433755 a25652e941e3a3dcedc6d2ab70f8d159.jpg
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị:

Cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các tạp chí về việc thực hiện quy định trong giấy phép hoạt động; Tiến hành thanh tra, kiểm tra các tạp chí khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định nếu có sai phạm.

Đối với các cơ quan chủ quản, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tạp chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thường xuyên kiểm điểm đánh giá việc thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý cơ quan tạp chí trực thuộc.

Các cơ quan chủ quản cũng được yêu cầu xây dựng, phê duyệt quy chế hoạt động của cơ quan tạp chí trực theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế này. Phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản với trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tạp chí theo quy định Đảng, Nhà nước.

z5107110449323 626b8818973104bb1eabe03c723e68c0.jpg
Đại biểu dự hội nghị giao ban Cơ quan chủ quản Tạp chí.

Đối với lãnh đạo các cơ quan tạp chí, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, cần tiếp tục nhận thức, quán triệt thật sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí không chỉ với tư cách là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản mà còn là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Trên cơ sở đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tạp chí xây dựng, triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền một cách chủ động, tích cực, sáng tạo và hiệu quả.