Vài năm trở lại đây, giá thịt heo trên thị trường bấp bênh khiến người nông dân, thậm chí cả doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn cũng rơi vào cảnh thua lỗ do phải bán dưới giá thành. Như hiện nay, giá heo hơi dao động từ 50.000-54.000 đồng/kg, người nuôi chịu lỗ từ 200.000-500.000 đồng/con khi xuất chuồng.

Thế nhưng, ở xã Tà Bhing của huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam), con heo cỏ bản địa trong chuỗi liên kết của HTX nông lâm nghiệp A Liêng lại giúp bà con đồng bào dân tộc nơi đây có thu nhập ổn định.

Hiện, Nam Giang là huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam. Để tạo sinh kế và từng bước giúp người dân thoát nghèo, tháng 8/2022, huyện miền núi này quyết định thành lập HTX nông lâm nghiệp A Liêng với 15 thành viên. Trong đó, 75% thành viên là người trong các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, số thành viên còn lại là những hộ sản xuất kinh doanh giỏi với vai trò dẫn dắt. 

Con heo cỏ bản địa được chọn là vật nuôi chính của mô hình liên kết sản xuất này.

heo co.jpg
Heo cỏ đang cho thu nhập cao.

HTX được tỉnh hỗ trợ 420 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn và tập huấn kỹ thuật cho các hộ thành viên. Heo được nuôi theo mô hình chuồng trại bán thả rông, thức ăn là các sản phẩm nông nghiệp có tại địa phương như cây chuối rừng, bã bia, rau xanh, cỏ… nên chi phí sản xuất tương đối thấp.

Theo anh Bríu Chéo - Tổ trưởng tổ sản xuất của HTX, heo cỏ bản địa có sức đề kháng tốt, ít nhiễm bệnh. Giống heo này dễ nuôi, không tốn quá nhiều công chăm sóc. Nhiều thành viên sau khi được HTX tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, họ đã đưa heo giống về nuôi ở nhà, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Sau 1 năm triển khai, quy mô đàn theo của HTX lên tới 120 con. Heo cỏ nuôi khoảng 6 tháng đạt trọng lượng trên dưới 30kg sẽ được xuất chuồng. 

Do thức ăn đều là các sản phẩm cây cỏ, không ăn cám công nghiệp nên thịt heo cỏ thơm ngon, đạt chất lượng cao, chuẩn sạch. Nhờ đó, heo xuất chuồng có giá dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg, cao hơn giá heo trên thị trường rất nhiều. Tính ra, 1 con heo cỏ có thể thu lãi 1,6-2,5 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí.

Mô hình cho thấy hiệu quả rất khả quan. Heo giống và heo thịt của HTX được xuất bán đều đặn với doanh đạt trên 300 triệu đồng sau 1 năm đi vào hoạt động.

Đến nay, HTX nông nghiệp A Liêng còn liên kết với 10 hộ chăn nuôi khác tại xã Tà Tà Bhing trong huyện Nam Giang. Các hộ dân tham gia được mua heo giống với giá rẻ. Heo đến ngày xuất chuồng lại được HTX bao tiêu đầu ra.

heo co.jpg
Heo cỏ bản địa trở thành vật nuôi giúp nhiều hộ gia đình có mức thu nhập ổn định.

Vừa xuất bán lứa con heo cỏ và thu về 20 triệu đồng, anh Bríu Hương ở xã Tà Bhing khoe, từ 5 con heo cỏ giống được HTX hỗ trợ với giá rẻ, đến nay anh đã sở hữu đàn heo 35 con. Heo xuất chuồng tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, anh sắm thêm được nhiều đồ đạc trong nhà.

Theo anh Bríu Chéo, heo cỏ của HTX và các hộ dân liên kết đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Thậm chí, vài năm tới con heo cỏ của HTX cũng không phải lo lắng vấn đề đầu ra. Thế nên, HTX tính toán tiếp tục mở rộng thêm nhiều hộ liên kết để nguồn cung thịt heo cỏ đáp ứng được nhu cầu trên thị trường.

Huyện Nam Giang hiện có 6.500 con heo cỏ được chăn nuôi rải rác trong các hộ dân, chủ yếu để lấy thịt và bảo tồn gen giống chất lượng. Để đẩy mạnh chăn nuôi tập trung, ngăn ngừa dịch bệnh, từ nguồn ngân sách của Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua địa phương đã triển khai thí điểm quy hoạch các vùng chăn nuôi theo hướng liên kết nhóm hộ; xem đó là hướng đi mới giúp nâng cao giá bán thịt heo cỏ ra thị trường tiêu thụ.

Lãnh đạo phòng NN-PTNT huyện Nam Giang cho biết, huyện đang hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP heo cỏ địa phương. Điều này không chỉ nâng tầm được thương hiệu cho con heo cỏ mà còn gia tăng giá trị, từng bước giúp các hộ dân tham gia mô hình liên kết chăn nuôi thoát nghèo. 

Heo cỏ cũng được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện miền núi Nam Giang, mang lại giá trị kinh tế cao.

CTV, Bạt Tuấn và nhóm PV, BTV