Sản xuất lớn cần nguồn vốn lớn, nhưng khó vay

Sáng 12/10, tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8, ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ rất khó cạnh tranh và tiếp cận thị trường nếu không có sự hợp tác, liên kết với nhau.

Năm 2023, cả nước có khoảng 31.700 HTX, trong đó có 20.357 HTX nông nghiệp và 11.343 HTX phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân của HTX trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 2,3 tỷ đồng/HTX. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/năm, ông Thanh cho hay.

xuat khau nong san.jpg
Các hợp tác xã cần nguồn vốn lớn nhưng lại khó tiếp cận (Ảnh: Hoàng Giám)

Ông Trần Khánh, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Bắc Á, cũng cho rằng, HTX đóng vai trò là trung gian đầu mối, giúp các hộ sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị; cải thiện trình độ sản xuất, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và có thể kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, theo khảo sát, chỉ khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương; 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng, riêng các HTX nông nghiệp thì tỷ lệ này còn thấp.

Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nông dân Phan Văn Thủ - HTX Dịch vụ thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (Long An), cho biết, HTX cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư sản xuất quy mô lớn.

Thế nhưng, HTX đang khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng vì không có tài sản chung để thế chấp. Các HTX chủ yếu được hỗ trợ vốn vay từ Quỹ phát triển HTX và từ Liên minh HTX, song số vốn vay tối đa chỉ được 1 tỷ đồng/HTX, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

“Chúng tôi muốn các cấp ngành, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để HTX có thể được tín chấp bằng các dự án, thay vì phải tín chấp bằng tài sản cá nhân, đáp ứng nhu cầu vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, xem xét có hướng mở rộng hạn mức cho vay tại Quỹ phát triển HTX lên cao hơn”, ông Thủ nói.

Chưa có gói vay ưu đãi lãi suất thấp cho HTX

Chia sẻ về vấn đề vốn vay, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank, thông tin, ngân hàng này đang nỗ lực để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện, gần 70% vốn của Agribank nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đây là thị trường nòng cốt. 

Theo ông Phúc, Nghị định 55 của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có những chính sách "rất mở" khi giao cho các ngân hàng thương mại quyết định mức vốn vay không đảm bảo tài sản đối với các tổ chức, HTX. 

vnd ngan hang tien .jpeg
Ngân hàng cũng gặp khó khi cho HTX vay vốn (ảnh: Duy Khánh)

Với Agribank, Nghị định 55 cho phép cho vay tối đa 1-3 tỷ đồng tín chấp đối với HTX; với các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX vay theo mô hình liên kết, ngân hàng cho vay tới 70-80% giá trị dự án mà không cần tài sản đảm bảo...

Tuy đã có cơ chế nhưng KTTT, HTX vẫn chưa phát triển được. Các ngân hàng thương mại ban hành nhiều gói vay, chủ yếu gói cho vay kích thích doanh nghiệp lãi suất rất thấp, nhưng lại không có gói nào cho vay HTX, ông Phúc cho hay. 

Theo ông, ngân hàng đã có nhiều phương án nhưng cũng thấy khó khăn. Bởi, vốn tự có của các HTX chưa đáp ứng được, nếu vay dự án trung hạn phải đáp ứng 25% vốn tự có (vay 100 tỷ thì phải có 25 tỷ đối ứng).

Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, bài bản, thẩm định cũng chưa hoàn thiện; tài sản cũng là vấn đề; tính trách nhiệm của các thành viên trong HTX chưa cao, chưa chặt chẽ. Vì vậy, tại Agribank, số lượng HTX dư nợ quá hạn từ những năm trước còn cao, ảnh hưởng tới việc cho vay.

“Mong Chính phủ, các ngành có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ HTX được phát triển hơn và bản thân HTX tháo gỡ những hạn chế, từ đó chúng tôi mới có những cơ hội mang tín dụng đến với các HTX”, ông Phúc nói.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - nhìn nhận, vốn ngân hàng rất quan trọng cho phát triển HTX. Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm tới việc sửa đổi các văn bản pháp luật về tín dụng, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay khách hàng, sửa đổi các vướng mắc trong thực tiễn.

Về cho vay theo Thông tư 39 bảo đảm tiền vay là hoàn toàn dựa trên thỏa thuận khách và tổ chức tín dụng phù hợp với các quy định. Thực tiễn việc cho vay có thể có tài sản bảo đảm hoặc không, tài sản đảm bảo có thể là bất động sản, hàng tồn kho; cho vay không bảo đảm tài sản thì đánh giá bằng khả năng trả nợ của khách hàng, dự án tốt hay không...

Tuy nhiên, với quy định hiện hành thì vay không bảo đảm tài sản là điều kiện quan trọng nhưng không phải tiên quyết, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khả năng trả nợ, kinh doanh của các HTX. "Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngân hàng sẽ tiếp tục có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp", bà Giang nói.

800 tỷ phú lập mạng lưới chia sẻ cách làm giàu

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8, Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc chính thức ra mắt. Mạng lưới 800 nông dân tỷ phú xuất sắc đã tôn vinh trong 11 năm qua và đại diện các HTX tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Việc hình thành Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc nhằm tập hợp, kết nối các nông dân Việt Nam xuất sắc các thời kỳ để giao lưu, học hỏi, cùng tìm kiếm thị trường, hợp tác đầu tư; cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tổ chức các hoạt động đào tạo, tham quan, các chương trình hoạt động xã hội... Mạng lưới sẽ được hoạt động chủ yếu trên nền tảng số, kết nối online và sẽ có một số buổi sinh hoạt trực tiếp.