Chênh lệch lớn
Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động hiện tại đã thấp hơn thời điểm cuối 2019 từ 1,5%-3%/năm và đang rơi vào vùng thấp lịch sử.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019. Như vậy, có thể nói, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có khoảng cách lớn.
Điều này giúp cho biên lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng cao. Theo báo cáo vừa được Công ty FiinGroup công bố, biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết trong quý 3/2020 tăng tới 9,7 điểm cơ bản so với quý 2/2020 và có mức tăng theo quý lớn nhất, kể từ quý 1/2018. Thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5%, trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%, đã dẫn đến NIM tăng. Điều này cho thấy lãi suất cho vay giảm không tương ứng với mức giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ Ngân hàng Bảo Việt) tăng lên 9,2%/năm, từ mức 9%/năm trong quý 2/2020.
Biên lợi nhuận gia tăng mạnh tại hầu hết ngân hàng trong quý 3/2020, kể cả các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, là nhóm đã giảm mạnh lãi vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra một số ví dụ về việc tăng NIM quý 3/2020 của một số ngân hàng. Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) có NIM tăng 0,38%, lên mức 3,02%, do lợi suất tài sản tăng và chi phí vốn giảm. Tính chung 9 tháng đầu năm, NIM của VietinBank đạt 2,82%, thấp hơn mức 2,88% của năm 2019 nhưng cao hơn so với giai đoạn 2015-2018. NIM của VietinBank tăng trong quý 3 chủ yếu do lãi suất huy động bình quân giảm 0,5% so với quý trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kì hạn (có lãi suất thấp) tăng mạnh và lãi suất cho vay bắt đầu phục hồi.
Tương tự như vậy là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), quý 3/2020 có chỉ số NIM tăng 0,6 điểm % so với quý 2 lên mức 2,57%, tương đương cùng kì 2019. NIM của BIDV phản ánh mức chênh lệch tích cực giữa lợi suất cho vay và chi phí vốn. Cụ thể, lợi suất cho vay trung bình trong quý 3/2020 là 8%, tăng 0,41% so với quý trước.
Tại Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), NIM cũng tăng mạnh 1,27% trong quý 3/2020, lên mức 5,59%, Tính chung 9 tháng đầu năm, NIM đạt 4,8%, mức cao nhất kể từ năm 2016. NIM tăng nhờ lợi suất tài sản tăng và chi phí vốn giảm 0,19%/năm.
Kêu khó giảm lãi vay
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, lợi nhuận năm 2020 vẫn đạt mức tốt.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 đạt trên 1.666 tỷ đồng, vượt mức 1.439 tỷ đồng kế hoạch của cả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của năm 2019.
Ngân hàng Á Châu (ACB), tính đến hết tháng 11/2020, lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8,723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngân hàng Quốc tế (VIB), tính đến hết tháng 10/2020, lợi nhuận trước thuế đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chính thức hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tính đến hết 10/2020, cũng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm...
Một số ngân hàng tuy có bị giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh, không hề bị thua lỗ hay gặp khó khăn lớn.
Các chuyên gia nhận định, năm 2020, nhiều ngân hàng vẫn có doanh thu và lợi nhuận lớn, thậm chí có mức lợi nhuận cao nhất lịch sử, bất chấp dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân là lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức cao, hạ không đáng kể hay không giảm, dù lãi suất huy động đã giảm rất sâu mà chỉ giảm trong một số nhóm ưu đãi nhỏ, đi kèm điều kiện vay cao.
Tỷ lệ NIM của các ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý 4/2020, nhờ lãi suất huy động vẫn giữ ở mức thấp và gói hỗ trợ dành cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, với lãi suất thấp sắp hết hạn, FiinGroup cho biết.
Ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất huy động đã giảm sâu, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay tương ứng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng, từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm, do tín dụng bắt đầu phục hồi, nhu cầu vốn của doanh nghiệp đang tăng nhanh.
Vì vậy, việc giảm thêm lãi suất cho vay là khả năng thấp. Như vậy cũng có nghĩa là các doanh nghiệp không hy vọng tìm kiếm được nguồn vốn rẻ trong thời gian tới.
Trần Thủy