Vẫn còn đó, những loay hoay chưa tìm được lối thoát về chiến lược giáo dục (GD) cho nước nhà.

Gần đây, báo chí xôn xao câu chuyện “Nhà có 02 cô con gái vào Harvard”. Anh Tôn Đức Thế là cha của 02 cô gái giỏi giang: Tôn Hà Anh và Tôn Hiền Anh, cả 02 chị em đều trúng tuyển vào ĐH Harvard (Mỹ) với học bổng toàn phần. Anh Thế đã có những chia sẻ chân thành với các bậc cha mẹ và các học sinh trong buổi tọa đàm “Con đường đến các trường ĐH Ivy League” diễn ra chiều ngày 09/4 tại Hà Nội do EduTalk-Vietnam và Ivycation tổ chức. [1]  

Chúng ta mừng vì nhiều gia đình Việt ngày càng quan tâm tới GD và có định hướng tốt ngay từ đầu cho con cái. Chúng ta mừng vì những em học sinh của chúng ta đã rất xuất sắc khi được trao cơ hội tại những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới.  Nhưng sau phút tự hào, chợt có gì như sự chạnh lòng, hụt hẫng khi nghĩ về nền GD nước nhà.

Các trường top Ivy không phải là tất cả

{keywords}

Thế nào là ĐH và sứ mệnh của ĐH là gì?

Thế nào là ĐH và sứ mệnh của ĐH là gì? Trong bài nói chuyện với sinh viên của ĐH Hoa Sen, T.S Nguyễn Xuân Xanh đã dẫn lời của Charles William Eliot - Chủ tịch Harvard: “Các ĐH, được dìu dắt khôn ngoan, lưu trữ vốn trí thức của giống nòi, và trở thành những nguồn suối của sức mạnh tinh thần và đạo đức. Ở đây các bước chân trẻ, tránh xa những lối mòn bẩn thỉu của ham muốn thấp kém và tham vọng trần tục, có thể bước đi trong những dấu chân của những người quá cố lừng lẫy – những nhà thơ, nghệ sĩ, triết gia và chính khách của quá khứ. Ở đây những mái đầu tươi rói có thể thám hiểm những vùng đất mới và tăng trưởng vốn tri thức lên. Ở đây chốc chốc những con người vĩ đại có thể được đào tạo thành các nhà lãnh đạo dân tộc. Ở đây ánh sáng soi sáng của thiên tài chốc chốc loé lên để làm hoan hỉ nhân loại; trên hết, ở đây nhiều thế hệ của thanh niên có thể học lấy sự chính trực" [2]  

Trái ngược với niềm hoan hỉ tột độ khi một nước nghèo thuộc Thế giới thứ ba có người lọt vào tháp ngà Harvard với tài trợ toàn phần, William Deresiewicz bày tỏ những suy tư của ông về một nền GD đúng nghĩa. Người từng là giáo sư Anh Ngữ trong 10 năm tại Yale [3] và là tác giả cuốn “Những con cừu xuất sắc” (Excellent Sheep) [4] - đã có một cái nhìn cận cảnh về “cuộc chạy đua” mà ông cho là “điên rồ” đến các trường “top”.

Ông gửi gắm tới các bậc cha mẹ: “Đừng gửi con bạn đến Ivy League. Các ĐH hàng đầu nước Mỹ đang biến con cái chúng ta thành zombie.” Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, và nằm trong ban xét duyệt hồ sơ của Yale, bằng trải nghiệm của một người trong cuộc, tác giả đã chỉ ra những mặt trái của hệ thống ĐH tinh hoa, khi ông phê phán, hệ thống này thiết kế ra những đứa trẻ thông minh, tài năng, và đầy động lực. Nhưng đồng thời cũng đầy lo âu, sợ hãi, bởi họ dường như bị mắc kẹt trong cái bóng của những đặc quyền GD, ngoan ngoãn đi theo một con đường đã định sẵn.

Sau cùng, Deresiewicz đưa ra gợi ý- một quan điểm GD hiện đại: “Nếu có một nơi nào đó mà giảng dạy và nhân văn vẫn đi chung với nhau - thì đó là các trường liberal arts (khai phóng) ”, như Reed, Kenyon, Wesleyan, Sewanee, Mount Holyoke, vv. Những trường không ở top đầu, quy mô nhỏ hơn, và cũng không hoàn toàn phù hợp với tất cả, nhưng ở một khía cạnh nào đó thì chính những trường này cùng với những ĐH công (public university) ở khắp các vùng trên cả nước vẫn đang làm tốt hơn vai trò của mình, duy trì sự trung thành với những giá trị GD đích thực. Ở đó, chương trình đào tạo chú trọng vào sự phát triển cá nhân, và thực sự đem lại một môi trường đa dạng về xuất thân kinh tế xã hội của sinh viên, và tất cả những trải nghiệm đáng giá nó có thể đem đến. Giáo sư cảnh báo, nước Mỹ cũng cần phải thực hiện một cuộc cải cách GD sâu rộng, mặc dù họ vẫn đang dẫn đầu thế giới.

Trông người mà ngẫm đến ta

Chúng ta phải chấp nhận một thực tế phũ phàng rằng, GD của Việt Nam đang khủng hoảng và ngày càng tụt hậu so với thế giới. Dù đã sang thế kỷ 21, nhưng chương trình phổ thông và ĐH của chúng ta vẫn lạc hậu, đi sau thế giới tiến bộ cả hàng mấy chục năm. Đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi và sự hoài nghi về mục đích chi tiêu cho GD, trong đó có nội dung sách giáo khoa; khi những gì mà học sinh đang được học hôm nay không khác nhiều mấy với những gì mà cha anh họ đã từng được học cách đây hàng chục năm. Người thầy vẫn phải dạy những thứ như giáo điều, khuôn mẫu đã được hoạch định sẵn, điều đó làm ngăn cản triệt tiêu sự sáng tạo.

Thật đáng báo động khi phần đông học sinh bộc lộ sự thiếu hụt kiến thức xã hội, nhân văn, lịch sử, địa lý khi đối mặt với thực tiễn, thậm chí có khi chỉ là qua... một kỳ thi. Những đề xuất cải cách, viết mới chương trình, SGK mãi không biết đến bao giờ mới bàn xong. Trong khi đó nếu Bộ GD &ĐT trao quyền cho tư nhân và các trí thức “thật” (không phải tiến sỹ “giấy” từ những lò ấp) thì có lẽ chỉ một thời gian ngắn, có thể vấn đề này đã thực hiện xong. Nói như T.S Giáp Văn Dương: “Không cần đến 40.000 tỷ VNĐ, chỉ cần một số tiền nhỏ thôi, hay thậm chí là Bộ GD & ĐT không cho tiền, chúng tôi vẫn có thể tự viết sách giáo trình được”. Và vẫn còn đó, những loay hoay chưa tìm được lối thoát về chiến lược GD cho nước nhà.

(còn nữa)

Hải Đăng- Sông Hàn

------------

Fulbright: Quá khứ không thể quên, nhưng hãy sống cho hiện tại

Tham khảo:

[1] Vietnamnet, Chuyện nhà có 2 cô con gái vào Harvard (2016). Link: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/298696/chuyen-nha-co-2-co-con-gai-vao-harvard.html

[2] Diễn văn của Charles William Eliot trong bài diễn văn chúc mừng Chủ tịch đầu tiên của Đại học John Hopskin năm 1876  Nguyễn Xuân Xanh, Đại học khoa học và lý tưởng tuổi trẻ (2011). Link: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/khoa-hoc-dai-hoc-va-ly-tuong-tuoi-tre.html

[3] Đại học Yale vốn được coi như đối thủ của Harvard: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, vợ chồng tổng thống Clinton, hay cha con tổng thống Bush, vv. đều là cựu sinh viên của trường), một người không hề xa lạ gì với những trường đại học tinh hoa (elite university).

[4] William Deresiewicz, Excellent Sheep: The Miseducation of the American Elite and the Way to a Meaningful Life (2014). Free Press.