Đắc nhân tâm (How to Win Friends and Influence People) là cuốn sách self-help của Dale Carnegie ra mắt năm 1936. Với hơn 30 triệu bản được phát hành trên toàn thế giới, Đắc nhân tâm là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại.
Carnegie tổ chức các khóa giáo dục kinh doanh ở New York (Mỹ) từ năm 1912. Năm 1934, Leon Shimkin, đang làm ở hãng xuất bản Simon & Schuster, đã tham gia một khóa học kéo dài 14 tuần của Carnegie về quan hệ con người và nói trước công chúng. Shimkin đã thuyết phục Carnegie để một người tốc ký lại nội dung khóa học rồi xuất bản. 5.000 bản đầu tiên hết sạch trong thời gian ngắn. Trong 3 tháng, sách bán được 250.000 bản.
Cuốn sách gây tranh cãi nhưng vẫn bán chạy
Năm 1981, Đắc nhân tâm được sửa đổi ngắn gọn hơn. Tới năm 2011, tác phẩm về nghệ thuật ứng xử nằm trong danh sách 100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất do tạp chí Time bình chọn. Khảo sát năm 2013 của Thư viện Quốc hội Mỹ đã xếp sáng tác của Carnegie là cuốn sách có ảnh hưởng lớn thứ 7 trong lịch sử Mỹ.
Tác giả nhiều lần nhấn mạnh: “Các nguyên tắc nêu trong quyển sách này sẽ chỉ có tác dụng khi xuất phát từ chính sự chân thành. Tôi không đưa ra mánh khóe hay thủ thuật để giúp chúng ta ứng xử giả dối. Tôi chỉ thảo luận với các bạn về sự khen ngợi chân thành từ sâu thẳm trái tim”.
Nhưng theo thời gian, ngày càng có nhiều chỉ trích Carnegie không thành thật và mánh khóe. Nhà văn Sinclair đã đưa ra bài phê bình gay gắt. Ông mô tả phương pháp của Carnegie là dạy mọi người "mỉm cười, giả vờ quan tâm đến sở thích của người khác để có thể lợi dụng họ”.
Trong khi đó, New York Times đưa ra đánh giá khá cân bằng về Đắc nhân tâm. Tờ báo của Mỹ cho rằng Carnegie đưa ra lời khuyên thấu đáo trong cách cư xử với mọi người nhưng sự suy xét còn quá đơn giản.
Tuy nhiên, bất chấp những lời chỉ trích, doanh số bán sách vẫn tiếp tục tăng. Đắc nhân tâm được viết cho độc giả bình dân và Carnegie đã thu hút thành công nhóm đối tượng mình hướng tới.
Carnegie mô tả tác phẩm của mình có tính "hành động" nhưng ngày nay Đắc nhân tâm được xếp vào một trong những cuốn sách đầu tiên thuộc thể loại self-help. Kể từ đó, hầu hết mọi tác phẩm dạng này đều vay mượn phong cách hoặc hình thức từ sách của Carnegie.
Làm thân với bọn bắt cóc nhờ đọc sách
Năm 1998, những người truyền giáo bị bắt cóc ở Saratov (Nga) đã sử dụng các chiến lược trong cuốn sách để tìm cách thoát nạn.
Theo AP, một trong những kẻ bắt cóc đã mời hai nhà truyền giáo Propst và Tuttle tới căn hộ của hắn ở Saratov vào ngày 18/3/1998. Khi bước vào nhà, hai người bị đánh vào đầu bằng gậy bóng chày, còng tay, bịt miệng, bịt mắt và đưa đến một nhà kho.
Những kẻ bắt cóc đã không cho họ ăn trong 36 giờ. Chúng dí súng vào đầu và đe dọa sẽ đầu độc họ nếu nhà thờ không trả tiền chuộc. Tờ giấy nhắn đòi khoản tiền chuộc 300.000 USD được để tại nhà của một thành viên nhà thờ.
Hai con tin cố bắt chuyện với thanh niên đã bắt cóc họ, với các chủ đề từ chính trị, tôn giáo đến thể thao. Propst hy vọng rằng việc xây dựng quan hệ có thể ngăn cản kẻ bắt giữ giết họ.
Cả Propst và Tuttle đều đã đọc Đắc nhân tâm và thử áp dụng các nguyên tắc trong sách.
"Ngay giây phút chúng tôi nhận thấy điều gì đang xảy ra, chúng tôi tự nhủ: Hãy thiết lập một mối quan hệ. Chúng tôi đã dùng những chiến lược đó. Giết kẻ thù dễ hơn nhiều so với giết bạn bè. Chúng tôi đặt câu hỏi về cuộc sống cá nhân của họ”, Propst nhớ lại. Kẻ bắt cóc đã kể về cuộc đời mình với hai nhà truyền giáo.
Vào ngày thứ tư, hai kẻ bắt cóc đưa họ đi xe khoảng 45 phút. Chiếc xe dừng lại và những kẻ bắt cóc nói: “Đi thôi”. Hai nhà truyền giáo được đưa ra khỏi xe. Họ nghĩ sẽ bị hành quyết.
Thay vào đó, Propst và Tuttle được tháo còng tay và nhận lệnh nằm nằm xuống trong 2 phút. Họ nghe thấy tiếng xe chạy đi. Họ giúp nhau gỡ băng dính trên mắt. Họ vẫy một chiếc xe tải để đi nhờ và gọi cho nhà thờ. Cả hai nhà truyền giáo không bị thương quá nặng.