Các tác phẩm của nhà văn người Anh Agatha Christie kể về những vụ giết người ly kỳ. Ngoài đời thực, một cuốn sách của bà đã hai lần cứu mạng người và một lần giúp cảnh sát bắt kẻ sát nhân hàng loạt. 

'Biệt thự Bạch Mã' được xuất bản lần đầu năm 1961

The Pale Horse (Biệt thự Bạch Mã) là tác phẩm trinh thám của Christie được xuất bản lần đầu năm 1961 tại Vương quốc Anh. Truyện không quá nổi bật trong khoảng 80 sáng tác của bà nhưng lại gây chú ý nhờ mối liên hệ với đời thực. Tiểu thuyết được ghi nhận đã cứu ít nhất hai mạng người sau khi độc giả nhận ra các triệu chứng ngộ độc thallium giống như mô tả trong sách. 

Trong Biệt thự Bạch Mã, kẻ sát nhân sử dụng thallium sulfate (muối sulfate của thallium trong trạng thái oxy hóa thông thường). Đây là hóa chất không màu, không mùi, không vị, tan trong nước, có độc tính cao, có thể gây khó thở, nói lắp, ngất xỉu, rụng tóc và sau đó là tử vong nếu tiếp xúc với lượng lớn. 

Vào thời điểm sách xuất bản, ngộ độc thallium vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Thallium xuất hiện nhiều trong tự nhiên nhưng hàm lượng quá nhỏ nên nguy cơ vô tình gây hại rất hiếm. Nhưng các đặc tính khó nhận biết của thallium lại là yếu tố hoàn hảo đối với Christie khi lên kế hoạch viết tiểu thuyết trinh thám. 

Truyện đã được chuyển thể thành phim với sự tham gia của diễn viên Rufus Sewell. Ảnh: Arts Desk

Giúp bắt kẻ giết người hàng loạt

Thallium trở nên nổi tiếng vào những năm 1970 khi kẻ sát nhân Graham Young sử dụng để giết người hàng loạt. Sinh năm 1947 ở Neasden (Anh), từ khi còn nhỏ, Young đã thử nghiệm chất độc trên các thành viên trong gia đình mình, giết chết mẹ kế, Molly. Hắn phải thụ án 8 năm ở Broadmoor. Có thể hắn đã tiếp tục thử nghiệm chất độc khi ngồi sau song sắt. Hắn tuyên bố chịu trách nhiệm về cái chết của bạn tù John Berridge. Dù vậy, trong văn bản chính thức, Berridge được ghi nhận là tự sát.

Khi được trả tự do vào năm 1971, Young có việc làm tại Phòng thí nghiệm John Hadland ở Bovingdon, Hertfordshire. Ngay sau đó, nhiều nhân viên bị ốm một cách bí ẩn. Ban đầu, tình trạng này được đổ lỗi cho một loại virus mang tên Bovingdon - nơi đặt phòng thí nghiệm. Nhưng mọi người nhanh chóng nhận thấy rõ ràng có điều gì đó bí hiểm hơn đang diễn ra. Sau cái chết của người quản lý Bob Egle và một loạt ca bệnh ở đây, Young bị bắt và nhận án tù chung thân.

Không lâu sau, báo chí tìm ra mối liên hệ giữa cuốn tiểu thuyết của Christie và tội ác của Young. Tờ Daily Mail đã chỉ trích tác giả vì đề cập tới việc sử dụng thallium để gây độc và cho rằng Young lấy cảm hứng từ cuốn sách. Nhưng điều đó vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp cho tới tận ngày nay. Có rất ít bằng chứng và Young khẳng định chưa từng đọc Biệt thự Bạch Mã. 

Tuy nhiên, một trong những bác sĩ làm việc với Scotland Yard (Sở Cảnh sát Thủ đô London) nhận ra các triệu chứng ngộ độc thallium do ông từng đọc tiểu thuyết của Christie. Vậy là, cuốn sách đã giúp bắt Young. 

Christie đón nhận cả khen ngợi lẫn chỉ trích vì cuốn sách. Ảnh: Nord

Cứu hai mạng người

Trong những năm sau đó, tác phẩm cứu ít nhất hai mạng sống. Năm 1975, Christie nhận được lá thư từ một độc giả ở Nam Mỹ nói rằng người này đã giúp một người đàn ông sau khi đọc cuốn sách.

Bức thư viết: "Nếu tôi không đọc Biệt thự Bạch Mã và nhờ đó biết tác hại của ngộc độc thallium, X đã không thể sống sót. Điều trị kịp thời đã cứu được ông ấy. Thậm chí nếu ông ấy đi khám, các bác sĩ cũng không thể phát hiện ra bệnh”. Tác giả của bức thư cho rằng X đã bị người vợ trẻ đầu độc. 

Trường hợp thứ hai xảy ra vào năm 1977, một năm sau khi Christie qua đời. Tạp chí Y học Bệnh viện Anh đưa tin một bé gái 19 tháng tuổi chuyển từ Qatar đến cấp cứu tại Bệnh viện Hammersmith (London, Anh). Bệnh nhi ngay lập tức được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt. Song căn bệnh bí ẩn của trẻ khiến các bác sĩ bối rối và tình trạng của bé ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Khi đó, y tá Marsha Maitland vào chăm sóc cho bệnh nhi. Tình cờ, Maitland mới đọc Biệt thự Bạch Mã và nhận thấy những điểm tương đồng giữa các ca ngộ độc trong truyện và tình trạng của bé gái. Xét nghiệm nước tiểu đã xác nhận mối nghi ngờ của nữ y tá. 

Hóa ra đứa trẻ đã vô tình ăn phải một loại thuốc trừ sâu có chứa thành phần gây chết người. Sau khi biết nguyên nhân, các bác sĩ đưa ra giải pháp giúp bệnh nhi dần dần hồi phục. 

Tác giả của bài viết trên tạp chí đã cảm ơn Christie vì nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của thallium. 

“Agatha Christie được đặt biệt danh là ‘Nữ hoàng tội phạm’ nhưng bà ấy cũng cứu mạng người”, tờ Radio Times nhận xét. 

Agatha Christie - tiểu thuyết gia bán chạy nhất mọi thời đại

Sinh ngày 15/9/1890, mất ngày 12/1/1976, Agatha Christie là nhà văn người Anh nổi tiếng với 66 tiểu thuyết trinh thám và 14 tuyển tập truyện ngắn, đặc biệt là những truyện xoay quanh thám tử Hercule Poirot. 

Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận Christie là tiểu thuyết gia bán chạy nhất mọi thời đại, với hơn 2 tỷ bản sách. 

Các sáng tác nổi tiếng của bà bao gồm: Mười người da đen nhỏ, Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông, Năm chú heo con, Án mạng đêm Giáng sinh, Chuỗi án mạng A.B.C…