Chiều 15/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về các vấn đề dịch bệnh và kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà trả lời tại buổi họp báo

Tại buổi họp, trao đổi về công tác PCCC sau khi quán karaoke ở Bình Dương cháy, làm chết 32 người, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, Công an TP đã rà soát toàn bộ các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường. 

Qua rà soát, Công an TP chỉ ra những tồn tại, vi phạm phổ biến trong công tác PCCC tại các cơ sở này. 

Cụ thể, tại TP.HCM hiện còn tồn tại nhiều cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường thuê các công trình nhà ở, nhà phố để hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo các quy định, quy chuẩn hiện hành, phần lớn các cơ sở này không đáp ứng hoặc khó đáp ứng để được thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC. 

“Do đó, các cơ sở này thường lách quy định bằng việc đăng ký hoạt động thành nhà hàng, cơ sở thu âm… vì các quy định, quy chuẩn về PCCC không nghiêm ngặt bằng. Qua kiểm tra thực tế, các cơ sở vi phạm nội dung này đều phải tạm đình chỉ hoạt động”, Thượng tá Hà cho hay. 

Cũng theo ông Hà, các cơ sở tuy đã trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn nhưng các hệ thống này không được duy trì hoạt động thường xuyên do bị hư hỏng hoặc chủ cơ sở ngắt tín hiệu chuông báo cháy để tránh ảnh hưởng việc kinh doanh. 

Việc trang bị, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC luôn đòi hỏi kinh phí lớn nên còn hiện tượng né tránh, không trang bị hoặc không kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ.

Cũng theo ông Hà, các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường thường tập trung đông người, nếu xảy ra sự cố cháy nổ, nhu cầu thoát nạn của dòng người rất cao. Tuy nhiên, một số cơ sở thường tận dụng các lối thoát nạn, hành lang để bố trí bàn ghế phục vụ khách hoặc là nơi chứa đồ phục vụ kinh doanh dịch vụ, dẫn đến các lối thoát bị che chắn, làm mất tác dụng. 

Sau vụ cháy karaoke ở Bình Dương, TP.HCM và cả nước tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh lĩnh vực này về công tác PCCC

Một số cơ sở còn bố trí các bãi giữ xe, hàng hóa trên đường giao thông nội bộ và xung quanh công trình làm giảm khoảng cách an toàn, lấn chiếm lối thoát nạn và không đảm bảo giao thông cho xe chữa cháy, cứu hộ hoạt động khi có sự cố.

Tại một số cơ sở, tình trạng vi phạm các quy định về PCCC trong sử dụng điện vẫn còn xảy ra. Các cơ sở thường tiến hành câu mắc, đấu nối các hệ thống, thiết bị điện không đảm bảo các quy định về an toàn PCCC; còn bố trí các vật dụng dễ cháy gần các tủ điện, thiết bị điện nên nguy cơ dẫn đến chạm chập, quá tải gây ra cháy, nổ là rất cao.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng thông tin, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn TP.HCM có 108 quán karaoke có nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, còn tồn tại nhiều loại hình karaoke trá hình. 

Trước đó, ông Hà cho biết, không chỉ vụ cháy tại Bình Dương, mà sau vụ cháy cơ sở karaoke ngày 1/8/2022 tại phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các địa phương tổng rà soát công tác PCCC tại các cơ sở karaoke, quán bar, vũ trường từ ngày 17/8 đến ngày 15/9. 

Qua kiểm tra 415 cơ sở, lực lượng chức năng đã đình chỉ và tạm đình chỉ 22 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính 136 cơ sở với 187 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 737 triệu đồng.