Khi viết sách giáo khoa về thời kỳ gắn liền với một tổng thống, các nhà viết sách cho học sinh đọc lá thư của chính tổng thống này đích thân viết cho ai đó. Nó có thể là một lá thư tình.

Thời gian vừa qua có hai sự kiện giáo dục đáng chú ý theo hai chiều hướng khác nhau: Quang Trung và Nguyễn Huệ trở thành anh em trên chương trình Chuyển động 24h, và học sinh Việt Nam tiếp tục đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.

Tôi muốn lấy hai sự kiện này để bàn một vấn đề thú vị: giá trị hữu hình và vô hình trong giáo dục, thông qua sự nhận thức về tầm quan trọng của môn toán và môn lịch sử của học sinh Việt Nam.

Trước hết, xin có lời chúc mừng về hai sự kiện và sự việc trên vì theo tôi nó đều là tin... vui cả. Nó chứng minh quan điểm xưa như Trái Đất ở ta: người Việt giỏi Toán và kém Sử. Một đặc điểm nhận diện giáo dục Việt Nam quá nổi bật và không cần bàn cãi.

{keywords}
Những bức thư gửi đến Thụy Điển cho người tình bí mật Gunilla von Post của tổng thống Mỹ Kennedy được công khai.

Quang Trung – Nguyễn Huệ và… cơm nguội

Về câu chuyện "anh em" Quang Trung - Nguyễn Huệ, thực ra không cần tới phóng sự "gài bẫy" của VTV, lịch sử vẫn là món cơm nguội đối với chúng ta và với học trò Việt. Cách làm của VTV cho thấy bản thân họ cũng dốt sử lắm lắm. Họ - hay đa số người Việt chúng ta - đều không có khái niệm gì về cách tiếp cận lịch sử và tư duy lịch sử cả.

Cụ thể những gì mà VTV hỏi chỉ là dữ kiện mang tính chất học thuộc lòng. Đó là những cái có thể tra nếu cần. Lịch sử trong khi đó là một môn khoa học dựa trên nghiên cứu và phản biện với tư liệu và số liệu. Đồng thời nó cần phải gắn với trải nghiệm cá nhân.

Hãy xem một ví dụ về cách học sử của Mỹ: khi viết sách giáo khoa cho học sinh về thời kỳ gắn liền với một tổng thống, các nhà viết sách của Mỹ cho học sinh đọc lá thư của chính tổng thống này đích thân viết cho  ai đó.

Nó có thể là một lá thư tình, ví dụ như lá thư mà tổng thống Kennedy gửi cho Marilyn Monroe chẳng hạn. Sau đó học sinh sẽ tiếp cận các sự kiện và dữ kiện theo lá thư đó. Sự hấp dẫn của  lá thư tình của tổng thống viết là điều không cần bàn cãi. Nó càng hấp dẫn hơn khi học sinh được dẫn dắt để hiểu lá thư và câu chuyện trong đó qua: tổng hợp, phân tích, đối chiếu và kết luận.

Mỗi học sinh là một nhà nghiên cứu nhỏ, sẽ cho ra đời những khám phá riêng qua bài học, chứ không phải xơi món “cơm nguội” của người khác. Kết quả cuối cùng thì ai cũng biết Kennedy là ai. Một cách cực rõ ràng và thú vị.

Trong khi đó, cách học sử của chúng ta vẫn cho thấy một điều: giáo dục của ta vẫn chỉ hướng tới phần nổi của giáo dục là 20% các giá trị được coi là hữu hình (điểm số và giải thưởng) mà không biết làm cách nào để hướng tới và thực hiện phần 80% giá trị được coi là vô hình (phẩm chất, tư duy và phương pháp).

{keywords}
Hàng trăm học sinh trường THPT Nguyễn Hiền xé đề cương môn Lịch sử vào tháng 3/2013. Ảnh căt từ clip/ Petrotimes

Khi cuộc chơi trở thành cuộc chiến

Sự kiện gây xôn xao thứ hai với tin tức nóng hổi của môn Toán: đội tuyển IMO 2015 của Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích Olympic Toán quốc tế cao khi có 2 HCV và xếp hạng 5 toàn đoàn - một xếp hạng không chính thức và có tính tham khảo.

Toán học, với việc giải được nhiều bài toán khó mang tính chất kỹ thuật lắt léo như ở ta, đáng lẽ ra để vui là chính, lại trở thành mục tiêu tối thượng của việc học chỉ hướng tới giải thưởng.

Các giá trị mà chúng ta đạt được qua khổ luyện như thế này bao năm qua, rất tiếc, về cơ bản là các giá trị hữu hình. Nhiều khi vô dụng với các tài năng chỉ được đo bằng giải thưởng và thành công chỉ là mang tính cá nhân đơn lẻ phục vụ cho chính cá nhân đó, thay vì cho cộng đồng và cho xã hội. Dễ dàng nhìn thấy các học sinh đạt giải thưởng sau này hầu như đều trở thành các GSTS, làm quản lý nhà nước chứ không chọn nghiên cứu hay theo đuổi đam mê và phụng sự cộng đồng.

Khi nghiên cứu về giáo dục ở các nước tư bản phát triển về công nghệ, điều thú vị mà tôi tìm thấy là họ chú trọng phát triển khoa học xã hội và nhân văn. Đây được coi là nền móng cho sự phát triển về của cá nhân -xã hội, đồng thời là nền móng học tập và phát triển khoa học - kỹ thuật.

Tại Nhật Bản, thay vì dạy kiến thức và rèn kỹ thuật giải bài cho học sinh tại bậc phổ thông, người ta ưu tiên việc rèn rũa học trò những thứ sau:

1. Phẩm chất công dân: tinh thần phụng sự xã hội và tôn trọng cộng đồng cũng như thiên nhiên.

2. Phẩm chất cá nhân: độc lập và có trách nhiệm.

3. Tư duy và suy nghĩ: sáng tạo và biết ước mơ.

4. Kỹ năng: giải quyết vấn đề.

Tại Mỹ, trước khi dạy kiến thức sâu cho học sinh, nền giáo dục hướng mạnh mẽ học trò vào các tố chất:

1. Phát triển đam mê cá nhân.

2. Rèn rũa và thực hành sự sáng tạo.

Trước khi vào đại học học trò Mỹ đều phải tham gia thi SAT để vào các đại học hàng đầu và đại học tốt. Nhất là để vào các ngành học danh giá. Môn SAT 2 History - Lịch Sử là môn học được coi là bắt buộc với hầu hết học sinh nhắm tới các ngành học xã hội và được cả rất nhiều các học sinh học ngành khoa học và công nghệ tham gia thi.

Các nhà giáo dục và học sinh Mỹ đều coi Lịch Sử là môn khoa học nền móng cho mọi ngành nghề khác.

Đây là một điểm quan trọng để các nước phát triển trên con đường đi tới sự phát triển công nghệ như vũ bão, đồng thời vẫn tạo ra được một xã hội văn minh và nhân văn, thứ mà chúng ta thiếu hụt cho dù học rất giỏi các môn khoa học tự nhiên.

Vậy nền giáo dục của chúng ta có nên theo đuổi việc tạo ra một vài siêu sao qua hệ thống đào tạo chuyên chọn gà nòi để khỏa lấp đi những điểm yếu chết người của nó hay không?

Nguyễn Tuấn Hải