Chiều 10/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu tại Hội nghị CEO APEC ở Đà Nẵng, ngay sau khi ông tới thành phố này để tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Nhiều khán giả theo dõi qua truyền hình đã rất thán phục người đàn ông của Nhà Trắng vì diễn thuyết không cần nhìn giấy, và có thể diễn đạt lưu loát câu chuyện lịch sử về Hai Bà Trưng.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, khán giả có thể thấy bục diễn thuyết được bố trí hai tấm kính đặt trên giá đỡ. Nhìn từ đằng trước, "tấm kính" này trong suốt, nhưng khi quan sát từ góc nhìn của ông Trump, các dòng văn bản sẽ được chiếu lên và "trôi" từ từ theo tốc độ đọc của Tổng thống Mỹ.

Thiết bị Teleprompter đặt hai bên tổng thống Trump với tác dụng hiển thị văn bản, hỗ trợ thuyết trình. Ảnh: Hoàng Hà

Trên thực tế, công nghệ này không hề xa lạ và đã được sử dụng rộng rãi hơn chục năm qua. Thiết bị mang tên "Teleprompter", hay còn gọi là "máy nhắc chữ", giúp các MC truyền hình có thể dẫn chương trình lưu loát trước ống kính máy quay mà không cần cầm theo kịch bản, những nhà chính trị gia hay doanh nhân đều có thể thuyết trình trôi chảy trên sân khấu như những diễn giả chuyên nghiệp.

Riêng với Tổng thống Trump, máy Teleprompter là thiết bị luôn được Nhà Trắng chuẩn bị sẵn để đoàn tháp tùng mang theo trong mỗi chuyến công tác.

Teleprompter của ông Obama. Ảnh được chụp tại một buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ năm 2011. Ảnh:  AP

Trước đây, nhiều đời tổng thống Hoa kỳ cũng sử dụng công nghệ hỗ trợ này để thực hiện những bài thuyết trình hùng hồn. Trong số đó có cựu tổng thống Obama. Nhiều tờ báo quốc tế từng cho rằng ông Obama rất phụ thuộc vào nó.

Năm 2009, khi ông Obama đang phát biểu tại Washington, một trong hai chiếc teleprompter bị rơi xuống sàn nhà và vỡ. Tổng thống Mỹ bối rối và ngập ngừng đôi chút, sau đó tiếp tục nhìn vào chiếc còn lại.

Theo Zing