Mới đây, đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm 2022, đa số ý kiến đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự án luật.

Phát biểu gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu trao đổi về những vấn đề còn bất cập, cần rà soát đảm bảo khả thi khi luật được ban hành.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 6/4. 

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (tỉnh Bình Dương) cho biết, thực tế hiện nay, nhiều lĩnh vực vẫn còn khó khăn về hạ tầng công nghệ, thiếu pháp lý chuyên ngành trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử. Đại biểu kiến nghị cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật.

Phân tích vấn đề cụ thể, đại biểu tỉnh Bình Dương cho rằng, chữ ký chuyên dùng, công vụ là chữ ký của những người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, giao dịch công vụ đều tác động ảnh hưởng lớn đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc. Do đó, cần phải được quản lý, cung cấp chặt chẽ, bảo mật.

“Vấn đề này cần được lưu ý đặc biệt và phải rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định thật rõ trong dự thảo luật”, đại biểu Xuân nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) khẳng định đây là đạo luật rất khó nhưng được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, rất nhiều nội dung đại biểu góp ý đã được chỉnh lý, bổ sung.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án luật.

“Đây cũng là đạo luật được coi là “Hiến pháp” của chuyển đổi số. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi số đạt được 20% GDP. Dự án luật là một trong những nền tảng quan trọng đạt được mục tiêu chuyển đổi số và tạo động lực để phát triển đất nước”, đại biểu An nhấn mạnh.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để đi vào thực tiễn, đặc biệt là thuận tiện, không phát sinh thủ tục hay các chi phí về bộ máy, con người và thiết bị.

Đại biểu quan tâm đến việc bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong dự luật này. Bởi thực tiễn thời gian qua xảy ra rất nhiều hoạt động lừa đảo, thậm chí là tội phạm trên môi trường mạng nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, dự thảo luật được đầu tư công phu, kỹ lưỡng.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như quy định trong dự thảo luật là dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy. Dự thảo luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết về việc giao dịch điện tử mở rộng. 

Về cung cấp dịch vụ tin cậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông không cung cấp dịch vụ mà chỉ cấp phép.

Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra và đơn vị liên quan để hoàn thiện dự án luật.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp và sẽ có báo cáo giải trình cụ thể từng vấn đề.

Ông Lê Quang Huy cho biết, Điều 29 liên quan đến dịch vụ tin cậy, chứng thực của hợp đồng điện tử đang giao cho Bộ Công ThươngBộ Thông tin và Truyền thông. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất chỉnh lý theo hướng tinh gọn, giao việc về một đầu mối.

Nguyễn Quang Phong, Nguyễn Xuân Long, Nguyễn Như Sỹ