Theo TS. Lê Nguyên Thành, Viện Nghiên cứu, Chiến lược Chính sách công thương, TS. Doãn Công Khánh, Chuyên gia độc lập, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Sản xuất công nghiệp cần hiện đại hơn (ảnh: Nhật Sinh)

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), xếp hạng Năng lực cạnh tranh công nghiệp (CIP)3 năm 2017 của Việt Nam xếp thứ 43/150 nền kinh tế trong bảng xếp hạng, tăng 24 bậc so với năm 2010 (Xếp trên một số quốc gia đáng chú ý như: Nam Phi, Argentina, Chi-lê, New Zealand, Belarus,…).

Năng lực cạnh tranh công nghiệp tăng lên (ảnh: Nhật Sinh)

Từ xếp hạng trên cho thấy, khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 06 trong Đông Nam Á từ năm 2000 đến nay. Tuy vậy, chỉ số CIP của Việt Nam từ năm 2000 đến nay đã được cải thiện khá nhanh và đang rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với 05 nước xếp trên, trong bảng xếp hạng của ASEAN.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh công nghiệp 10 nước trong khu vực ASEAN

Qua bảng thống kê số liệu trên cho thấy, đến năm 2017, chỉ số CIP của Việt Nam đạt 0,0713, tương đương với Philipines (Năm 2000, Philippines gấp 3,6 lần); tiệm cận với Indonesia (Indonesia chỉ còn hơn 1,3 lần so với năm 2000 gấp 3,9 lần) và rút ngắn khoảng cách với Thái Lan (còn 2,0 lần so với 5,8 lần năm 2000), Malaysia (còn 2,3 lần so với 8,4 lần), Singapor (còn 3,6 lần so với 12,8 lần). 

Diễn biến chỉ số CIP của 06 quốc gia dẫn đầu ASEAN

So với giai đoạn trước (1990-2000), thì giai đoạn 10 năm từ năm 2000-2010, chỉ số “Cường độ công nghiệp hóa - CNH” của Việt Nam đã tăng chậm lại (tăng trung bình 1,1%), đưa xếp hạng của Việt Nam chỉ tăng thêm 10 bậc (từ vị trí 67 lên 57). 

Chuyển sang giai đoạn từ 2010-2017, chỉ số “Cường độ CNH” của nước ta đã có mức tăng cao, đạt 43,7%, đưa chỉ số này tăng từ 0,342 lên 0,492. Với điểm số này, thứ hạng của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt hơn (tăng thêm 31 bậc) từ vị trí 57 năm 2010 tăng lên vị trí 26/150 quốc gia trong bảng xếp hạng (Chỉ số tương đương với Mexico, Italia,…). 

Nguồn: Biểu đồ được thể hiện trên cơ sở số liệu của UNIDO

Trong khu vực Đông Nam Á, từ năm 2013 đến nay, nước ta tiếp tục duy trì đứng thứ 6/10 nước ASEAN. Đáng chú ý trong giai đoạn từ 2010 đến nay, do có tốc độ tăng cao hơn so với các nước trong ASEAN, nên chỉ số “Cường độ CNH” của nước ta đang được rút ngắn khoảng cách chênh lệch, so với 05 nước đứng đầu. Cụ thể, chỉ số của Indonesia hiện chỉ còn gấp 1,1 lần so với 1,64 lần của năm 2010; Philippines gấp 1,23 lần (so với 1,74 lần năm 2010); Malaysia gấp 1,27 lần (so với 1,78 lần năm 2010);…

Chỉ số “Cường độ CNH” của 6/10 nước đứng đầu ASEAN

Cùng với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp của cả nước nói chung, và của nhóm hàng chế biến, chế tạo nói riêng, thì chất lượng xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam cũng đang được cải thiện đáng kể. Đến năm 2017, chỉ số chất lượng xuất khẩu công nghiệp của Việt Nam đạt 0,7068, tăng 35,4% so với năm 2010, đã đưa xếp hạng của Việt Nam tăng khá nhanh, từ 65 lên hạng 36/150 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2017 (so với năm 2000 xếp hạng 99).

 Diễn biến xếp hạng quy mô xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới

 Trong khu vực ASEAN, chất lượng xuất khẩu của nước ta từ năm 2010 đến nay, tiếp tục duy trì vị trí thứ 5/10 nước ASEAN (Năm 2000 xếp thứ 07/10). Đáng chú ý theo từng giai đoạn phát triển chỉ số chất lượng xuất khẩu hàng công nghiệp của nước ta đang được rút ngắn khoảng cách chênh lệch, so với 04 nước đứng đầu. Cụ thể, chỉ số của Philippines hiện chỉ còn gấp 1,23 lần so với 1,46 lần của năm 2010; Singapore gấp 1,17 lần (so với 1,67 lần năm 2010) và tiệm cận với Maylaysia và Thái Lann (so với trên 1,53 lần năm 2010);…

Phương Linh (ghi)