Theo Technode, hôm 22/4 một cư dân mạng trên web GitHub kêu gọi những người bất đồng quan điểm với văn hóa làm việc “996” tham gia vào chiến dịch phản đối tỷ phú Jack Ma bằng cách gửi bản sao chính thức của Luật lao động Trung Quốc tới trụ sở tập đoàn Alibaba.

Hoạt động này được mô tả như một dạng “nghệ thuật biểu diễn”, nhằm nâng cao nhận thức về các điều kiện làm việc bất hợp pháp và khắc nghiệt trong ngành công nghệ Trung Quốc. Bài đăng trên GitHub nhận được 710 sao, cho thấy khoảng 1.000 người sẽ tham gia vào “dự án nghệ thuật” này.

Văn hoá “996” là cách người Trung Quốc gọi lịch làm việc 12 giờ/ngày (từ 9h sáng đến 9h tối), 6 ngày/tuần. Jack Ma lên tiếng ủng hộ văn hóa làm việc này lần đầu trong một phát ngôn trích trên trang Weibo của Alibaba hồi đầu tháng 4/2019.

Nhà sáng lập Alibaba đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ cư dân mạng Trung Quốc vì ủng hộ văn hóa làm việc 996. Ảnh: Siecle.

Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc hiện nay, lên tiếng phủ nhận tình trạng người lao động kiệt sức khi làm việc tại các công ty công nghệ ở nước này. Trong một bài blog đăng tải ngày 12/4, ông nói: “Để được làm việc theo văn hoá 996 là phúc lớn”.

Luật lao động Trung Quốc quy định người lao động không làm tăng ca hơn 35 giờ mỗi tháng. Song nhu cầu của ngành công nghiệp đã khiến phần lớn nhân viên các công ty công nghệ phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối suốt 6 ngày trong tuần.

“Đây là một cuộc biểu tình phản đối với chi phí thấp, hài hước và đậm tính nghệ thuật”, tài khoản GitHub giải thích. “Chỉ có những bưu kiện gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, quyền và lợi ích của người khác mới bị coi là phạm pháp. Chưa kể chi phí mua và gửi một bản sao bộ luật là rất rẻ, ước tính ít hơn 5 nhân dân tệ (khoảng 0,74 USD)”.

Ngoài Alibaba, chủ nhân hoạt động “nghệ thuật biểu diễn” này còn khuyến khích người tham gia bỏ ra nhiều hơn 0,74 USD để gửi thêm những bản sao bộ luật cho một số lãnh đạo của các công ty công nghệ.

Danh sách có bao gồm Richard Liu, CEO của JD.com, và Ren Zhengfei, người sáng lập Huawei. Địa chỉ thư tín đến trụ sở các công ty trên cũng được chia sẻ rộng rãi.

Ông Ren Zhengfei, nhà sáng lập Huawei, cũng nằm trong "tầm ngắm" của cư dân mạng. Ảnh: Gizmodo.

Theo Zing