Theo Forbes, tính tới cuối phiên giao dịch 14/5, tổng tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) đạt 1,1 tỷ USD nhờ cổ phiếu MSN tăng mạnh mẽ lên mức cao nhất trong vòng khoảng 5 tháng qua.

Trong phiên giao dịch 14/5, cổ phiếu MSN tăng 3,2% lên 63.900 đồng/cp.

Kể từ đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu MSN đã tăng khoảng 60% từ mức 40 ngàn đồng/cp lên mức hiện tại.

Cổ phiếu MSN tăng mạnh trong bối cảnh mảng thực phẩm tiêu dùng nhanh của doanh nghiệp này ghi nhận những kết quả tốt bất chấp đại dịch, trong khi đó mảng bán lẻ (vừa nhận chuyển nhượng từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt những kết quả ban đầu khá tốt.

Theo báo cáo vừa công bố, trong quý 1, doanh thu bán lẻ của VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu VinMart, VinMart+) tăng 40% so với cùng kỳ lên hơn 8,7 ngàn tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tiếp quản hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, vốn được tỷ phú Phạm Nhật Vượng gầy dựng trong 5 năm trước đó.

Masan cũng vừa công bố thông tin bán thành công 30 triệu trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10% cho năm đầu thu về 3 ngàn tỷ đồng.

Với mức giá cổ phiếu hiện tại, Masan có vốn hóa thị trường đạt gần 74,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD).

{keywords}
Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes.

Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 520 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 45% cổ phần Masan.

Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 3,65% cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Techcombank (TCB), Coninco (CNN), Tầm nhìn Masan...

Cú tăng giá ấn tượng của cổ phiếu Masan đã giúp ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes, bên cạnh các tỷ phú USD khác như: Phạm Nhật Vượng (6 tỷ USD), Nguyễn Thị Phương Thảo (2,3 tỷ USD), Trần Bá Dương và gia đình (1,5 tỷ USD) và ông Hồ Hùng Anh (1,2 tỷ USD).

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 15/5, chỉ số VN-Index xoay quanh ngưỡng 830 điểm. Nhiều cổ phiếu blue-chips giảm điểm do áp lực chốt lời.

Sự sụt giảm của TTCK Mỹ và nhiều TTCK châu Á cũng như nỗi lo kinh tế thế giới hồi phục chậm và đại dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại khiến nhiều NĐT lo lắng.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 820-826 điểm trong phiên cuối tuần. Diễn biến thị trường vẫn sẽ biến động trong biên độ hẹp với sự giằng co và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Về tổng thể, chỉ số vẫn đang duy trì đà tăng ngắn hạn với đích đến 860-880 điểm. Khối ngoại mua ròng trở lại trong bối cảnh ngân hàng nhà nước giảm một loạt các lãi suất điều hành là các yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong ngắn hạn.

Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp có thể không như kỳ vọng sẽ là các yếu tố khiến cho các nhóm cổ phiếu trên thị trường có thể rơi vào trạng thái phân hóa mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/5, VN-Index giảm 1,81 điểm xuống 832,4 điểm; HNX-Index giảm 0,52 điểm xuống 111,34 điểm. Upcom-Index giảm 0,24 điểm xuống 53,48 điểm. Thanh khoản đạt 8,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà