Biến động khó lường
Thị trường vàng gần đây biến động khó lường, tăng mạnh rồi sụt giảm sâu. Cuối phiên 22/4 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á lại vọt lên trên ngưỡng 1.700 USD/ounce sau khi giảm mạnh vào cuối tuần trước.
Diễn biến giá vàng vài tháng qua không theo quy luật thường thấy: các thị trường tài chính, địa chính trị bất ổn thì vàng tăng, đồng USD giảm thì vàng tăng,... mà biến động thất thường: tăng ngay cả khi USD tăng, giảm khi USD giảm và giảm khi các thị trường chứng khoán thế giới lao dốc.
Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, giá vàng đã nhiều lần biến động tăng giảm thêm cả trăm USD, từ mức mở đầu năm 2020 với 1.517 USD/ounce tăng mạnh lên 1.680 USD/ounce hôm 9/3 rồi tụt giảm xuống đáy 1.471 USD/ounce vào 19/3, trước khi vọt lên 1.727 USD/ounce hôm 14/4.
So với các năm trước, biến động của giá vàng thế giới là rất lớn, thường xuyên tăng giảm thêm bớt cả trăm USD trong khoảng thời gian rất ngắn. Nó cho thấy tâm lý bất ổn định của các nhà đầu tư và những biến động khó lường trên thị trường quốc tế.
Biến động giá vàng thế giới trong vòng 1 năm qua. |
Mối quan hệ giữa giá vàng và giá dầu gần đây cũng không theo tỷ lệ thuận thường thấy mà biến động lộn xộn. Cuối phiên 22/4, giá vàng tăng mạnh lên trên ngưỡng 1.700 USD/ounce bất chấp giá dầu vẫn giảm mạnh. Giá dầu giao tháng 6 sụt từ quanh ngưỡng 20 USD/thùng phiên trước đó về gần 11 USD/thùng.
Trong nước, thị trường vàng cũng biến động mạnh. Giá vàng trong nước nhiều thời điểm cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 4-5 triệu đồng/lượng, nhưng có thời điểm giá trong nước thấp hơn giá thế giới như một hai phiên giữa tháng 4.
Cũng khoảng giữa tháng 4, giá vàng trong nước đã lên đỉnh mới lịch sử: 49,2 triệu đồng/lượng, cao hơn so với mức đỉnh 49 triệu đồng/lượng hồi cuối 2011.
Vài tuần qua giá vàng trong nước không có nhiều biến động, dao động quanh ngưỡng 48 triệu đồng/lượng cho dù vàng thế giới tăng giảm mạnh liên tục. Sự tĩnh lặng ở thị trường trong nước là vì hàng loạt doanh nghiệp tạm đóng cửa kinh doanh để phòng ngừa dịch Covid-19. Một số đơn vị như Doji, Bảo Tín Minh Châu,... đóng cửa tất cả các điểm kinh doanh vàng, bao gồm cả điểm ở trụ sở chính.
Dù tăng giảm liên tục nhưng xu hướng chung của giá vàng thế giới vẫn là đi lên. Giới đầu tư vẫn đẩy mạnh mua vàng do lo ngại dịch bệnh sẽ làm suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng tài chính, khắp nơi các NHTW bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế.
Giá vàng trong nước gần đây quanh ngưỡng 48 triệu đồng/lượng. |
Vàng được dự báo sẽ còn tăng giá cho dù sẽ chịu áp lực giảm giá trong ngắn hạn khi mà sự bất ổn ở mức quá lớn và nhiều người muốn nắm giữ tiền. Trong lịch sử, diễn biến thực tế cho thấy khoảng 1-2 năm sau những cuộc khủng hoảng lớn (như cuộc khủng hoảng 2008 hay 1997) thì giá vàng đều tăng rất mạnh.
Vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce
Theo một dự báo vừa được ngân hàng Bank of America đưa ra, giá vàng sẽ tăng gần gấp đôi lên mức cao kỷ lục 3.000 USD/ounce (83 triệu đồng/lượng) trong vòng 18 tháng tới do những động thái nới lỏng tiền tệ và bơm tiền ở mức chưa từng có của NHTW các nước sẽ gây ra một áp lực lớn trên thị trường tài chính.
Mức giá dự báo lần này của Bank of America cao hơn nhiều so với dự báo 2.000 USD/ounce đưa ra trước đó và hơn nhiều so với mức kỷ lục của giá vàng: 1.921 USD/ounce ghi nhận hồi cuối 2011.
Trong báo cáo của mình, ngân hàng này cho rằng “Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không thể in vàng" và do đó giá vàng còn đi lên. Giá vàng trung bình ở mức 1.695 USD/ounce trong năm 2020 và 2.063 USD trong năm 2021.
Giá vàng được dự báo lên 3.000 USD/ounce. |
Trước đó, hàng loạt dự báo đều cho rằng vàng sẽ tăng mạnh trong bối cảnh cả thế giới chìm ngập trong lượng tiền khổng lồ giá rẻ. Commerzbank dự đoán vàng sẽ lên 1.800 USD/ounce vào cuối 2020 khi các nhà đầu tư tìm kiếm ‘thứ cứu cánh cuối cùng’.
Refinitiv cũng dự báo gần tương tự với giá vàng vượt 1.850 USD/ounce trong năm nay với lập luận rằng: vàng luôn tăng sốc sau khủng hoảng nhờ vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ suy thoái. Trong 7 cuộc suy thoái ở Mỹ kể từ năm 1969, vàng chứng kiến mức tăng trung bình khoảng 23%.
Dù vậy, Refinitiv cũng cho rằng, con đường đến mức giá cao hơn sẽ không phải là một con đường thẳng.
Đại diện quỹ vàng Sprott Inc. gần đây dự báo vàng sẽ lên 2.000 USD/ounce dù thế giới chứng kiến tình trạng giảm phát hay lạm phát sau đại dịch bởi nền kinh tế toàn cầu đón nhận sự kích thích chưa từng thấy.
Theo đó, nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát thì đó là dấu hiệu của một sự trục trặc lớn của hệ thống tài chính và do vậy việc nắm giữ vàng là ưu tiên hàng đầu. Còn nếu lạm phát, thì việc nắm giữ vàng là tất yếu.
Cũng giống như Bank of America, quỹ WingCapital Investments cho hay vàng sẽ tăng lên mức 3.000 USD/ounce trong vòng 3 năm tới. Còn ANZ dự báo giá vàng có thể chạm mức 2.000 USD/ounce trong quý 2 năm nay.
Hiện giá vàng đã tăng khoảng 12% kể từ đầu năm và đang ở quanh đỉnh 8 năm cho dù sức cầu thấp vì đại dịch. Cũng theo Bank of America, vẫn còn nhiều dư địa cho vàng tăng giá vì dòng tiền đổ chưa nhiều vào loại tài sản này.
V. Minh