- Vấn đề tham nhũng, chạy chức, chạy quyền nổi bật trong bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri dày hơn 200 trang được Ban Dân nguyện tổng hợp gửi QH trước phiên chất vấn bắt đầu ngày 11/6.

Cử tri Nghệ An phản ánh việc bình bầu, bổ nhiệm các chức danh trong bộ máy nhà nước thông qua hình thức bỏ phiếu chưa lựa chọn đúng người đủ đức, đủ tài vào bộ máy công quyền gây nên tình trạng chạy chức, chạy quyền.

{keywords}
Ảnh: Minh Thăng

Tiếp tục phản ánh tình trạng tiêu cực trong việc xử lý các công việc hành chính nhà nước, cử tri tỉnh Nghệ An cho rằng vẫn còn kẽ hở cho một bộ phận công chức nhũng nhiễu. Cử tri đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách thực tế công tác cải cách hành chính, đặc biệt trên các lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân như giáo dục, y tế, đầu tư.

Trong khi đó cử tri Cần Thơ cũng kiến nghị cần có giải pháp và biện pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực chạy chức, chạy quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Đi thẳng vào câu chuyện tham nhũng ODA, cử tri Tiền Giang đề nghị Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng sớm công bố kết quả điều tra và biện pháp xử lý vụ việc tiêu cực trong sử dụng nguồn vốn ODA để nhập các thiết bị y tế báo chí đã nêu để người dân biết.

Vụ việc của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền vẫn chưa thôi làm cử tri hết bức xúc. Cử tri Tây Ninh đề nghị xem xét tính hồi tố đối với những trường hợp cán bộ có chức, có quyền lúc đương chức hưởng lợi bất chính, chưa phát hiện tham nhũng, khi về hưu có khối tài sản lớn như trường hợp ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Cử tri Yên Bái cho rằng vẫn còn một số cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành kể cả Trung ương và địa phương chưa nêu gương về đạo đức, lối sống. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Việc công khai, minh bạch trong các hoạt động kê khai tài sản vẫn còn hạn chế.

Tại một loạt tỉnh An Giang, Thái Bình,Vĩnh Long, Hưng Yên, TP.HCM cho rằng tài sản tham nhũng thu hồi ít (chiếm tỷ lệ 23% tổng giá trị tài sản tham nhũng), biện pháp xử lý còn quá nhẹ. Vì vậy cần có những biện pháp mạnh hơn như tịch thu tài sản, cắt chế độ được hưởng để làm gương.

Cử tri nhiều tỉnh thành cũng không đồng tình với việc sửa đổi bộ luật Hình sự theo hướng người phạm tội tham nhũng có thể nộp tiền để thay án phạt tù.

Cử tri An Giang, Đà Nẵng, TP.HCM đề nghị Nhà nước phải luôn xem việc phòng, chống tham nhũng là sự tồn vong của quốc gia. Tham nhũng được coi như là quốc nạn, phải kiên quyết bài trừ triệt để, mức hình phạt cần mạnh tay hơn để tạo sự răn đe. Những người tham nhũng không chỉ bỏ tù là xong mà phải tích cực thu hồi triệt để số tài sản tham nhũng.

Thu Hằng