Nhiều người nước ngoài đến thì cứ giương máy ảnh ra chụp giao thông Việt Nam như thể đấy là một kì quan thế giới.
Vụ nổ ở Văn Phú: Có ai muốn cưa bom để sống?
Một người "dũng cảm" cưa bom lấy phế liệu khiến vài người chết, nhiều người bị thương ở Văn Phú, Hà Đông. Một nhạc sỹ, ca sỹ nổi tiếng chết vì ung thư. Ngày nào cũng gần 30 người chết vì tai nạn giao thông; đinh tặc gây nổ lốp khiến xe bị đâm nhiều người chết; ném sơn che tầm mắt lái xe trên đường cao tốc gây tai nạn...
Nếu nói người dân Việt như đang sống trong một cuộc chiến giữa thời bình thì có quá không, hay đây chỉ là kết quả của thời đại công nghệ khi con người hàng ngày phải va đập với quá nhiều thông tin. Nhưng những số liệu về ung thư, tai nạn là có thật và sự xuống cấp về tình người là có thật.
Đáng sợ bởi tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra với tất cả mọi người. Ai là người Việt Nam mà không phải đi len lỏi trong dòng phương tiện đủ loại: xe đạp, xe máy, người đi bộ, ôtô con, xe buýt… Tất cả cứ nháo nhào, đan xen đến hỗn loạn. Chẳng thế mà nhiều người nước ngoài đến thì cứ giương máy ảnh ra chụp giao thông Việt Nam như thể đấy là một kì quan thế giới.
Vụ nổ khiến nhiều người chết ở Văn Phú do cưa bom. |
Sự hỗn loạn vật lý ấy thể hiện chính sự hỗn loạn trong tâm thức của người Việt. Những con tim ngơ ngác đau đớn trước bao tin buồn, những tâm thức hỗn loạn bởi mọi thứ cứ rối bời như một cuộc chiến "thập diện mai phục". Ra đường sơ sẩy mất mạng, mua đồ ăn không biết đâu mà chọn đồ sạch. Siêu thị có tiếng còn sai nhân viên ngang nhiên ra đổi nhãn hạn sử dụng giữa thanh thiên bạch nhật. Các ông bố bà mẹ đều lo đến thắt tim khi cho con đi tiêm chủng, đến nỗi có người phải đi hàng trăm cây số, xếp hàng thâu đêm để mua sự an toàn cho con.
Gẫy chân vào viện bó bột, một thứ tưởng đơn giản lại có thể mất cả chân, cả một tương lai trở nên u ám trước một thiếu nữ xinh đẹp. Có biết bao câu chuyện của những con người trẻ đang khoẻ mạnh bỗng bị cướp luôn tương lai và cả mạng sống vì những mối hiểm nguy rình rập như vậy.
Do vậy mà nỗi sợ ở đây có cơ sở chứ không phải là sự ám ảnh của những người yếu bóng vía, lại càng không phải là sự phóng đại của truyền thông. Trên mạng xã hội, tràn ngập những dòng viết kiểu: "Đời là vô thường... cuộc sống mong manh... Sống đến đâu biết đến đó... Nay sống mai chết..." Hiện thực khắc nghiệt dường như khiến con người quý trọng và có cái nhìn triết lý hơn về cuộc sống. Nhưng nếu chỉ loanh quanh trong những dòng triết lý mang tính tổng kết và thái độ bi quan ẩn chứa nỗi sợ thì cũng chẳng thay đổi được gì. Nỗi sợ vẫn còn nguyên và hiện thực đáng sợ vẫn còn nguyên. Hơn thế nữa, tất cả những nguy cơ ấy sẽ còn kéo dài và có vẻ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Vậy phải làm sao? Muốn giải quyết vấn đề thì việc đầu tiên là phải nhìn thẳng vào vấn đề. Trước hết, phải khẳng định rõ ràng là điều kiện tự nhiên của Việt Nam quá là được ưu đãi khi so với nhiều nước khác. Vấn đề ở đây chủ yếu là do con người gây ra. Tai nạn giao thông nhiều trước hết là do cơ sở hạ tầng kém. Không phân định được các luồng giao thông, các phương tiện giao thông. Mà cơ sở hạ tầng kém bởi ngân sách ít, ngân sách ít bởi các doanh nghiệp Việt Nam "không chịu lớn" khi tiền bôi trơn là một gánh nặng khiến họ luôn căng như dây đàn để tồn tại. Đồng tiền đáng nhẽ được vào ngân sách thì lại vào túi riêng.
Thực phẩm bẩn bởi người dân nhập về, đâu phải trên trời tự rơi xuống. Cơ quan chức năng làm không nghiêm khắc, mạnh mẽ. Thực phẩm bẩn là do người nông dân bán rẻ lương tâm, cho gia súc ăn thức ăn bẩn, dùng thuốc kích thích cho rau trồng và gia súc. Họ làm thế bởi cuộc sống quá khó khăn và họ thấy những người khác làm thế. Như một người buôn lợn giãi bầy với tôi: "Nếu anh ngồi trên xe với tôi, tay anh sẽ nắm chặt vì bức xúc. Đi từ Cam Ranh về Vinh, tôi tính phải “làm luật” chừng 100 lần. Huyện nào cũng phải nộp hai lần. Thường mỗi nơi là 100,000 đồng, có nơi 200,000 đồng, riêng Quảng Bình bắt nộp tới 500,000 đồng. Đây là nơi cánh lái xe kinh hãy nhất..."
Tất nhiên, người buôn lợn phải tìm đủ mọi cách để dìm giá mua từ người chăn nuôi xuống khi bản thân họ phải chi phí quá nhiều như thế.
Người dân Việt Nam sợ tai nạn, sợ ung thư và cũng sợ nói lên tiếng nói của mình khi gặp những chuyện bất công trong xã hội. Họ cố co mình lại để tìm một góc an toàn trong cuộc sống của mình. Nhưng vấn đề là không bao giờ có một góc riêng an toàn và trong sạch khi toàn bộ môi trường bị ô nhiễm. Ai cũng phải hít bầu không khí chung, ai cũng phải đi ra đường và tất nhiên là rất ít người có điều kiện để nuôi con gà, con lợn hay trông rau cho chính nhu cầu của mình và gia đình.
Chính vì vậy, việc góp tiếng nói xây dựng, sự thẳng thắn và dũng cảm khi đấu tranh với cái xấu trong xã hội là một việc cần thiết để cải tạo môi trường và chất lượng sống của chúng ta. Thái độ thờ ơ với những vấn đề chung đang phổ biến trong xã hội Việt Nam. Nhiều người thậm chí còn coi việc quan tâm tới chính trị, xã hội là không cần thiết, là vô bổ. Nhưng họ đâu biết rằng quan tâm tới những vấn đề chính trị, xã hội chính là quan tâm tới chất lượng không khí họ hít thở, sự an toàn trên đường từ nhà họ tới công sở và độ an toàn của miếng thịt, miếng rau con cái, vợ chồng họ dùng hàng ngày.
Chừng nào chúng ta vẫn còn giữ thái độ thờ ơ, nhắm mắt tặc lưỡi với những cái ác cái xấu trong xã hội, thì chúng ta đành phải chấp nhận sống chung với “thập diện mai phục” rủi ro mà thôi.
Đoàn Bảo Châu
------------
BÀI LIÊN QUAN: