Trong đơn kiến nghị mới đây gửi Bộ VHTT&DL các nghệ sĩ, đạo diễn của Hãng phim truyện Việt Nam cho biết: “Công ty Vận tải thủy (Vivaso) do thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm đã không sửa hệ thống điều hòa bảo quản lạnh của kho phim trong nhiều tháng, khiến 300 bản phim gốc dương bản, bao gồm nhiều phim từ thời kỳ đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam cho tới nay đã bị hủy hoại, mốc, dính bết không thể sử dụng được”.
Các thành viên của Hãng cho rằng, đại diện Bộ VHTT&DL nói trong cuộc họp báo gần đây rằng "gần 300 bản phim bị hỏng chỉ là bản sao, bản copy, các bản gốc đã được lưu trữ tại Viện phim Việt Nam" là không chính xác.
Theo các nghệ sĩ, đây là tổn thất rất nghiêm trọng cả về tinh thần lẫn vật chất cho nền điện ảnh Việt Nam nói riêng, ngành văn hóa nói chung. Trong đơn, các nghệ sĩ còn đưa ra kiến nghị Vivaso in lại toàn bộ phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Cục trưởng Cục Điện ảnh đã có phản hồi trên báo Văn hoá về vấn đề này. Ông Vi Kiến Thành cho rằng đây là vấn đề chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn hiện nay cũng như không phù hợp theo quy định của luật Điện ảnh.
"Tôi hiểu rằng các nghệ sĩ rất bức xúc trước thực trạng nói chung của Hãng phim cũng như tình cảnh của kho phim hiện giờ. Việc không chú trọng bảo quản tạo nên hỏng hóc nặng nề như thế này chắc chắn tạo nên thiệt hại không nhỏ cả về vật chất lẫn tinh thần", ông Thành nói.
Ông Thành chia sẻ, trước đây, trong thời kỳ điện ảnh sản xuất phim nhựa, mỗi phim trong số 278 phim đặt hàng đều có 1 bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Bản được giữ tại Hãng phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu.
Hiện nay, các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm kinh điển đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị.
Hãng phim chỉ sản xuất, không có chức năng lưu trữ
Ông Thành cũng nói rõ, từ khi ra đời bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất cho đến khi luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, chức năng, nhiệm vụ của Hãng luôn được quy định là đơn vị sản xuất phim, không phải là cơ sở lưu trữ.
Luật Điện ảnh cũng quy định cơ sở lưu trữ phim của ngành văn hoá chỉ duy nhất có Viện phim Việt Nam. Phim sau khi sản xuất được lưu chiểu tại Cục Điện ảnh và lưu trữ tại Viện phim. Những bộ phim Nhà nước đặt hàng, đề tài chiến tranh cách mạng khi tạm lưu ở Hãng phim là những bản để phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim.
Với đặc thù phim nhựa, khi sản xuất phim xong, dương bản được gửi 1 bản lưu chiểu tại Cục Điện ảnh, 1 lưu trữ tại Viện phim. Sau thời hạn lưu chiểu, bản phim tại Cục được đưa về lưu tại Viện.
Chính vì thế, Viện phim có 2 bản gốc. Bản gửi tại Cục Điện ảnh để lưu chiểu là dương bản (đã được định sáng, chỉnh màu, đồng bộ tiếng... sẵn sàng để chiếu). Viện phim lưu trữ, bảo quản cả bản gốc là âm bản (màu hoặc đen trắng, chưa hoàn thiện) và dương bản.
Nguyên tắc là vậy, tuy nhiên các Hãng phim, trong đó có Hãng phim truyện Việt Nam vẫn lưu thêm 1 bản nữa và để phục vụ công việc, họ chuyển từ âm bản sang dương bản là bản hoàn thiện của một bộ phim. Vì thế, không thể cho rằng các bản phim ở Hãng mới là bản hoàn chỉnh nhất về định sáng, chỉnh màu…
Trước đó, chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Danh Thắng - Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam khẳng định đã bỏ rất nhiều tiền ra để chuyển gần 300 phim này dưới dạng file lưu trữ tại các ổ cứng.
"Hiện nay, không có nơi nào còn sử dụng máy chiếu phim nhựa, vì thế những phim nhựa này không còn được sử dụng nữa. Tại sao chúng tôi lại phải bỏ ra nhiều tiền, cơ sở vật chất lẫn con người để lưu trữ những phim này, trong khi bản gốc đã có ở Viện phim. Đây thực sự là một sự lãng phí vì nó chỉ là tài sản thông thường để khai thác, không phải di sản hay tài liệu quý của Nhà nước cần bảo tồn. Việc bảo tồn bản gốc thuộc trách nhiệm của Viện phim", ông Thắng nói.