Sau nhiều ồn ào, VietNamNet đã trao đổi với ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Phó TGĐ Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) về việc “gỡ rối” tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Ông Nguyễn Danh Thắng: Về nghi ngờ chúng tôi không có chuyên môn làm phim, chúng tôi sẽ cam kết để Bộ VHTT&DL - đơn vị có 28% cổ phần - cử người về, chúng tôi lấy quyền biểu quyết để người này làm GĐ điều hành và cam kết không can thiệp hoạt động chuyên môn nghệ thuật của GĐ điều hành.

- Gần một tháng qua khi lùm xùm về việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam bị truyền thông khơi lại, Bộ VHTT&DL có ngồi lại bàn bạc với ông để "gỡ rối" việc này?

Chúng tôi chưa có buổi làm việc nào cả. 

- Từng có văn bản xin thoái vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam và trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng đồng ý việc đó, nhưng nếu bây giờ những câu chuyện ở hãng được gỡ rối, ông có tiếp tục làm phim?

Chúng tôi vẫn sẽ làm, bởi sau khi cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam xong, năm 2018, Bộ VHTT&DL ngay lập tức đặt hàng chúng tôi làm bộ phim Người yêu ơi. Lúc đó, Thứ trưởng Vương Duy Biên ký quyết định.

Chúng tôi háo hức vì đây là phim đầu tiên được sản xuất theo cơ chế công ty cổ phần nên quán triệt làm thật tốt để có uy tín. Thời điểm đó, không phải ai cũng bỏ ra 3 tỷ để mua máy quay, nhưng chúng tôi đã làm. Tiếp đến, chúng tôi đầu tư trang thiết bị khác phục vụ quay phim, thành lập đoàn phim, tìm bối cảnh, casting diễn viên… Tóm lại, mọi khâu chuẩn bị đã xong, chỉ chờ tới ngày bấm máy. 

Nhưng Bộ VHTT&DL sau đó không ký hợp đồng nữa, cũng không có văn bản thu hồi quyết định đặt hàng phim này, cứ âm thầm vậy thôi cho tới hôm nay. Chúng tôi bị thiệt hại khá nhiều. 

Năm vừa qua, chúng tôi làm 5 tập phim Về nhà là Tết và được hơn 30 kênh truyền hình mua lại phát sóng. Nói như vậy để thấy rằng, chúng tôi mong muốn được làm phim như thế nào. Nếu bây giờ mọi việc được gỡ rối, chúng tôi vẫn sẵn sàng làm phim. 

Ông Nguyễn Danh Thắng trong khuôn viên Hãng phim truyện Việt Nam số 4 Thụy Khuê, Hà Nội.

Đã lỗ 60 tỷ đồng

- Mong muốn của ông sau khi Thanh tra Chính phủ thanh tra lại việc cổ phần này là gì?

Chúng tôi đang rơi vào hoàn cảnh rất bi đát. Riêng tiền thuê đất của Nhà nước bây giờ là 4 tỷ đồng/năm, chưa kể chi trả nhân sự liên quan, tính tới hiện tại, chúng tôi đã lỗ tới 60 tỷ đồng. Tại cuộc họp Ban lãnh đạo công ty hôm qua (29/3), tôi đã đưa ra giải pháp và sẽ làm văn bản gửi Chính phủ về đường hướng để giải quyết câu chuyện cổ phần này. 

Thứ nhất, nếu đồng ý cho chúng tôi thoái vốn, phải cho chúng tôi làm đúng theo quy định của Nhà nước về thoái vốn. Tức là, chúng tôi có quyền chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, với mức giá thương lượng. Hiện tại, dù Thanh tra Chính phủ kết luận đồng ý cho chúng tôi thoái vốn, Bộ VHTT&DL lại yêu cầu chúng tôi rút cổ phần. 

Nếu rút cổ phần, chúng tôi đưa ra con số, giả dụ Bộ VHTT&DL đồng ý, chúng tôi cầm tiền rồi đi. Nhưng nếu 5-10 năm sau thanh tra lại, theo luật là không đúng, chẳng phải chúng tôi đang cầm tiền của Nhà nước sai quy định, chắc chắn sẽ phải trả lại.

Thứ hai, nếu để chúng tôi tiếp tục làm phim, phải có cơ chế rõ ràng. Chúng tôi sẽ nhanh chóng giải quyết 3 vấn đề mà nhiều người lâu nay nghi ngờ:

Về nghi ngờ chúng tôi lấy đất để đầu tư cái khác, chúng tôi cam kết đầu tư xây dựng đúng, vì phải ký quỹ cho Nhà nước, sai chúng tôi mất tiền. Việc đầu tiên là chúng tôi xin đầu tư xây dựng địa điểm của Hãng vì khi nhận về đã xập xệ quá rồi. Chúng tôi sẽ xây dựng mô hình khép kín từ việc sản xuất phim cho tới phát hành: xây dựng hệ thống trường quay, rạp chiếu phim, các dịch vụ liên quan tới phim ảnh… đầu tư làm phim theo đúng cơ chế thị trường.

Nói thật, nếu không cho chúng tôi đầu tư thì Hãng phim sẽ mãi hoang tàn như thế này, cổ phần rồi, Nhà nước sẽ không đầu tư vào.

Về nghi ngờ chúng tôi không có chuyên môn làm phim, chúng tôi sẽ cam kết để Bộ VHTT&DL - đơn vị có 28% cổ phần - cử người về, chúng tôi lấy quyền biểu quyết của mình để người này làm Giám đốc điều hành. Chúng tôi cam kết đưa vào điều lệ không can thiệp vào hoạt động chuyên môn về nghệ thuật của Giám đốc điều hành. Giám đốc điều hành có quyền tuyển người, ngay cả những người cũ của hãng muốn quay lại, chúng tôi đều hoan nghênh. 

Phải nói rõ rằng, chúng tôi chỉ là nhà đầu tư, và chúng tôi bỏ tiền để thuê người tốt nhất làm.

Về nghi ngờ chúng tôi sẽ không làm phim, chúng tôi cam kết nhanh chóng bắt tay làm phim sau khi ổn định cơ sở, vật chất lẫn con người. 

Với cam kết sẽ thể hiện bằng văn bản này, 3 vấn đề mà lâu nay nhiều người nghi ngờ, chúng tôi đều giải quyết được hết. 

- Tại sao phía công ty không đưa ra hướng giải pháp thứ hai này ngay từ đầu?

Chúng tôi ở vào thế khó. Như đã chia sẻ, chúng tôi đang hồ hởi để làm phim thì đơn vị đặt hàng là Bộ VHTT&DL im lặng, nghệ sĩ thì phản đối. Chán nản, chúng tôi xin thoái vốn. Ở tâm thế của người chỉ muốn rút đi, chưa ổn định được nhân sự thì dính vào dịch bệnh, chúng tôi cũng chẳng làm được gì nhiều.

Ngay như bộ phim Về nhà là Tết vừa rồi, chúng tôi cũng nỗ lực lắm và phải vào TP.HCM quay vì ở Hà Nội, nghệ sĩ không hợp tác.

Tôi cũng chia sẻ thêm, ngay cả việc nhiều người kêu chúng tôi không biết giữ gìn di sản, để các bản gốc của phim bị hư hỏng, chúng tôi cũng chán nản không muốn thanh minh. Thực ra, Bộ VHTT&DL đã lưu trữ hết bản phim gốc ở Viện phim.

Ở kho phim số 4 Thụy Khuê chỉ là bản sao, và chúng tôi cũng bỏ tiền số hoá toàn bộ. Hiện nay, với những phim như thế này, các rạp có muốn chiếu lại cũng dùng bản số hoá, chứ họ đâu có hệ thống kỹ thuật để chiếu những bản phim nhựa kiểu này.

Hay như việc nhiều người nói rằng việc định giá thương hiệu của Hãng thời điểm cổ phần bằng "0" là không thể chấp nhận được, thực tế, Bộ VHTT&DL đã mời công ty kiểm toán CPA Việt Nam vào định giá. Họ không thể đưa ra con số chính xác. Theo quy định hiện hành, giá trị thương hiệu không tính tuổi đời của doanh nghiệp hay những giá trị vô hình về danh tiếng. 

Trước đây, có ý kiến cho rằng có thiếu sót khi hàng nghìn mét đất vàng không được tính vào giá trị của hãng phim lúc cổ phần hóa. Nhưng toàn bộ diện tích hãng phim sử dụng nhiều năm qua là thuê lại của Nhà nước, là tài sản của Nhà nước nên đương nhiên không được coi là căn cứ tính giá trị của hãng phim.

7 năm qua, chúng tôi rất mệt mỏi, thiệt hại cho doanh nghiệp kéo theo thiệt hại cho người lao động. Câu hỏi lớn cần được trả lời là quan điểm của Nhà nước đối với điện ảnh như thế nào? Nếu muốn phát triển công nghiệp văn hoá, nếu coi điện ảnh là ngành kinh doanh thông thường, phải chấp nhận cho chúng tôi hoạt động theo cơ chế thị trường.