Ngay sau cuộc họp báo sáng nay của Bộ VHTT&DL, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam trực thuộc Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) Nguyễn Danh Thắng đã có trao đổi với VietNamNet về việc quản lý Hãng phim truyện Việt Nam.
Ông Thắng chia sẻ: "Trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi đã có văn bản xin được thoái vốn trước thời hạn. Trong thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã đồng ý để chúng tôi được thoái vốn trước hạn.
Nhưng thực hiện kết luận sau thanh tra, Bộ VHTT&DL thực hiện theo hướng thu hồi cổ phần của nhà đầu tư. Khái niệm thoái vốn trong doanh nghiệp và thu hồi cổ phần là hoàn toàn khác nhau về bản chất. Bộ VHTT&DL yêu cầu chúng tôi tính toán chi phí để hoàn trả tiền. Chúng tôi thấy không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí nên không biết tính toán như thế nào".
Ông cũng khẳng định mong muốn duy nhất khi đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam là vực dậy doanh nghiệp đã thua lỗ nhiều năm, được làm phim theo cơ chế thị trường, mong muốn doanh nghiệp phát triển để từ đó đem lại lợi nhuận cho công ty và cổ tức cho các nhà đầu tư.
"Nếu Nhà nước không muốn chúng tôi đầu tư thì cho chúng tôi được thoái vốn theo các quy định của pháp luật hiện hành về thoái vốn trong doanh nghiệp", ông Thắng nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam cũng cho hay, sản xuất phim cũng là một dạng của sản xuất hàng hóa, muốn phát triển nền điện ảnh thì phải vận hành theo cơ chế thị trường. Trước đây, Hãng phim vận hành theo cơ chế công ty nhà nước với bộ máy cồng kềnh. Tiền nhà nước đặt hàng sản xuất phim thực tế chỉ trả lương và vận hành bộ máy chứ đầu tư cho phim rất ít.
“Nếu 1 năm Nhà nước đặt sản xuất 1 bộ phim mà công ty có đến 10 đạo diễn và 12 quay phim thì nghĩa là 2 người có việc làm, 8 người ở nhà hưởng lương. Sẽ có chuyện phân chia, phim này người này làm đạo diễn thì phim sau đến lượt người khác, như vậy làm sao phát huy được khả năng của những người giỏi? Chính vì bộ máy cồng kềnh và cách quản lý của doanh nghiệp nhà nước như vậy, số lượng phim đặt hàng có giới hạn nên từ khi Nhà nước không bao cấp thì thua lỗ triền miên, sản phẩm làm ra kém chất lượng, chủ yếu sản xuất xong cất vào kho. Phim Sống cùng lịch sử của NSND Thanh Vân thực hiện, chi phí sản xuất hết 22 tỷ đồng, khi mang ra rạp không bán nổi vé. Việc này báo chí đã đưa tin một thời”, ông Thắng nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ VHTT&DL sáng nay, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phan Linh Chi khẳng định: "Tới thời điểm này, Vivaso chưa đưa ra được văn bản tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ về số tiền nhận lại khi thực hiện hoàn trả cổ phần cho Nhà nước. Nhà đầu tư chiến lược đang không hợp tác".