Bộ VHTT&DL sáng nay tổ chức họp báo thường kỳ quý 1. Nhiều phóng viên đặt câu hỏi về việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam.

Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phan Linh Chi nêu 2 khó khăn.

Cành hoang tàn, rêu phong tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

“Thứ nhất, tới thời điểm này, Vivaso chưa đưa ra được văn bản tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ về số tiền nhận lại khi thực hiện hoàn trả cổ phần cho Nhà nước. Nhà đầu tư chiến lược đang không hợp tác. 

Thứ hai, nếu Vivaso đưa ra số tiền cụ thể, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, sau đó sẽ đưa vào dự toán chi hàng năm của Bộ VHTT&DL, tất cả đều phải có quy trình. Thêm vào đó, ngày 22/3, Bộ VHTT&DL có báo cáo chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái rất cụ thể, chi tiết về lộ trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Không những Bộ VHTTT&DL phải báo cáo mà cả Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều trùng khớp", bà Chi cho biết.

Song song với việc giải quyết câu chuyện cổ phần hoá, Bộ VHTT&DL vẫn đang nghiên cứu tìm nhà đầu tư. Điện ảnh là một ngành đặc thù, mấy năm qua Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hiện tại chưa có dấu hiệu tìm ra nhà đầu tư chiến lược khác.

Bà Phan Linh Chi cũng trấn an "mọi người nên yên tâm", không có việc các phim của Hãng bị ẩm mốc bởi đó chỉ là bản copy. 

"Hãng phim truyện Việt Nam có tổng cộng 291 phim, hiện tại 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim còn lại không lưu trữ do được sản xuất hợp tác với đơn vị khác", bà Chi nói.

Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phan Linh Chi.

Hãng phim truyện Việt Nam ra đời từ năm 1959, trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Đây là nơi sản xuất bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông (1959) và những tác phẩm kinh điển như: Vợ chồng A Phủ, Con chim vành khuyên (1961), Chị Tư Hậu (1963), Nổi gió (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Đến hẹn lại lên, Em bé Hà Nội (1974)...

Quá trình cổ phần hóa được tiến hành từ năm 2014, dự kiến năm 2015 hoàn thành nhưng tới 2016 mới tìm được cổ đông chiến lược là Vivaso. Với 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và hoàn tất quá trình mua lại Hãng vào tháng 6/2017.

Những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa đã được Thanh tra Chính phủ kết luận trong văn bản 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018: Giá trị đất đai và quyền, ưu thế sử dụng đất đai được định giá bằng 0; chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng; quá trình thực hiện vi phạm luật Đấu thầu, chỉ có một nhà đầu tư là cổ đông chiến lược không có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến sản xuất phim và văn hóa điện ảnh, không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu thực tiễn của một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh.

Khi đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến lược xin rút vốn trước thời hạn.

Sân sau Hãng phim truyện Việt Nam thành nơi đỗ xe. Ảnh: Phạm Hải

Tuy nhiên, việc không có thời hạn cụ thể để nhà cổ đông chiến lược thoái vốn theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã làm ngưng trệ mọi hoạt động liên quan đến việc thực hiện các dự án làm phim của Hãng. Hãng không đủ tư cách pháp nhân để thực hiện các dự án phim, đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ không có việc làm, bị cắt toàn bộ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Ngày 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng hoang tàn, đổ nát, tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới và có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3.

NSND Trà Giang khóc khi nói về thực trạng Hãng phim truyện Việt Nam ngày 15/3