Hôm 22/11, phát biểu khai mạc sự kiện kéo dài 2 ngày này, trước sự tham dự của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Thứ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Philippines, ông Benedicto Ernesto R. Bitonio, Jr. khẳng định SLOM-19 phù hợp với định hướng của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 về khả năng phục hồi, động lực tăng trưởng mới và hướng tới tương lai, cũng như Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về trung tâm tăng trưởng ASEAN.
Ông Benedicto nhấn mạnh rằng ASEAN cần tăng cường nỗ lực và hợp tác nhằm nâng cao khả năng đáp ứng của thị trường lao động cũng như năng suất, khả năng cạnh tranh và thích ứng của người lao động, hướng tới một cộng đồng bao trùm, bền vững và hướng tới tương lai.
Đây là năm thứ hai trong nhiệm kỳ 02 năm chủ tịch SLOM của Philippin với chủ đề “Cùng nhau tái định hình thế giới việc làm trong cộng đồng ASEAN thông qua phục hồi và tăng trưởng kỹ thuật số, toàn diện và bền vững”, Hội nghị đã cập nhật tình hình triển khai các hoạt động điều phối, thúc đẩy và giám sát việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Công tác của các ALMM giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch công tác của các nhóm hợp tác chuyên ngành về quyền lao động di cư, điển hình lao động tiên tiến, anh toàn và vệ sinh lao động hay thanh tra lao động.
Việc thực hiện sáng kiến trong các Tuyên bố ASEAN được thông qua trong 5 năm qua cũng đã được thảo luận, trong đó có hướng dẫn triển khai các cam kết trong Tuyên bố ASEAN về bảo vệ người lao động di cư và các thành viên gia đình họ trong các tình huống khủng hoảng; Tuyên bố ASEAN về bảo vệ ngư dân di cư; và Tuyên bố ASEAN về cung cấp các phúc lợi an sinh xã hội cho lao động di cư.
Các Trưởng đoàn công tác cũng tái khẳng định cam kết của các quốc gia trong việc thực hiện các Tuyên bố được thông qua tại các kỳ Cấp cao ASEAN và đánh giá cao việc thông qua và thực hiện các Tuyên bố trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN, tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động, làm cơ sở để ASEAN nói chung và mỗi quốc gia thành viên ASEAN tham khảo, lồng ghép các hoạt động vào chính sách của mình theo hướng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, nỗ lực hướng tới một xã hội hòa nhập và công bằng.
Hội nghị cũng bày tỏ sự ủng hộ và tầm quan trọng của hai Tuyên bố ASEAN do Indonesia xây dựng trong năm 2023 Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ người lao động di cư và gia đình trong tình huống khủng hoảng và Tuyên bố ASEAN về Việc làm và bảo vệ lao động di cư làm việc trên tàu cá. Các Trưởng đoàn cũng đã điểm qua các văn kiện đã được thông qua trong năm và chương trình làm việc của các kênh chuyên ngành gồm có: Ủy ban Bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư trong ASEAN (ACMW), Mạng an toàn vệ sinh lao động ASEAN (ASEAN-OSHNET), Hội đồng giáo dục nghề nghiệp ASEAN, Ủy ban thanh tra lao động ASEAN (ALICOM)…
Tại cuộc họp Lào cũng đưa ra tuyên bố về định hướng Năm chủ tịch 2024 do Lào chủ trì với những sáng kiến như việc xây dựng Tuyên bố về Ngăn ngừa và Xóa bỏ lao động trẻ em và Tuyên bố về liên thông, công nhận và phát triển kỹ năng nghề cho lao động di cư.
Các quốc giá ASEAN cũng thông tin tại Cuộc họp về kế hoạch triển khai trong năm 2024 với các hoạt động như tập huấn việc xây dựng Hướng dẫn ASEAN về Liên thông chế độ Bảo hiểm xã hội (Campuchia); Diễn đàn Việc làm xanh (Malaysia) cũng như việc thu thập thông tin cho Khung Giám sát đánh giá việc thực hiện Lộ trình ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và Hướng dẫn ASEAN về Lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm (Việt Nam)
Kết thúc Hội nghị, Singapore tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận việc chuyển giao vai trò chủ tịch Cuộc họp từ Philippin và việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN lần thứ 28 dự kiến sẽ được tổ chức tại Singapore vào năm 2024.