Là đơn vị hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh, những người có công phát hiện ra hang động lớn nhất thế giới, cho tới nay, công ty Oxalis Adventure Tours đã đào tạo khoảng 250 cựu lâm tặc hoàn lương trở thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp tại các khu rừng và hang động trong quần thể Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận.

Anh Ngọc Anh là một người như thế. Từ nhỏ, anh đã có cơ hội làm quen với địa hình rừng núi nơi đây và từng bị kẻ xấu lôi kéo chặt phá cây trái phép để lấy gỗ. Nhưng khi chứng kiến cảnh mưa lớn và lũ lụt tàn phá bản làng mình, anh Ngọc Anh đã phần nào ý thức được hệ quả to lớn của tàn phá rừng và khủng hoảng khí hậu. Từ đây, chàng hướng dẫn viên của Oxalis quyết tâm thay đổi và góp sức mình trong việc bảo tồn môi trường tự nhiên nơi đây.

"Trước đây, mỗi khi nhìn thấy một cây gỗ lớn, trong đầu tôi sẽ bất giác tính toán xem cây cao bao nhiêu và nên chặt thành từng khúc nhỏ với kích thước thế nào là hợp lý nhất. Nhưng giờ khi đã là một hướng dẫn viên chân chính, khi bắt gặp những cây gỗ như vậy, tôi sẽ nói với các du khách trong đoàn mình về giá trị của chúng vì những cây như vậy thực sự không còn nhiều nữa", anh Ngọc Anh kể lại.

Anh Ngọc Anh trong một lần dẫn khách tham quan ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Reuters

Tính từ năm 2001 cho đến năm 2020, Việt Nam đã mất khoảng ba triệu ha cây che phủ, tương đương với 20%. Nhưng từ năm 2007, nhờ những biện pháp mạnh tay của chính phủ, nạn khai thác gỗ trái phép đã giảm đi đáng kể. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia ký cam kết toàn cầu về việc chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

Howard Limbert, người đứng đầu Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh cho biết: “Thông thường, phát triển du lịch sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới việc bảo tồn nhưng ở đây thì ngược lại vì chúng tôi đã tuyển dụng tất cả những người từng mắc sai lầm để tạo cho họ công việc ổn định và có ý nghĩa hơn. Hiện tại, nhờ phát triển du lịch, các khu rừng ở đây cũng được an toàn hơn trước, động vật hoang dã có môi trường sống tốt hơn".

Ông Limbert cho biết, chính sách trên của công ty tưởng như một việc bất thường nhưng lại thực sự đang phát huy hiệu quả.

Các hướng dẫn viên kiếm được ít hơn một nửa so với những ngày họ làm nghề khai thác gỗ nhưng hy vọng sẽ kiếm được nhiều hơn khi ngành du lịch và du lịch dần phát triển.

Trước đó vào năm 2009, một trong những 'lâm tặc' nổi tiếng trong vùng là ông Hồ Khanh đã có công cùng đoàn chuyên gia của Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Hoàng gia Anh tìm ra Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới.

Ông Hồ Khanh chụp ảnh kỷ niệm cùng chuyên gia Howard Limbert. Ảnh: Oxalis

Năm 2013, khi tour mạo hiểm Sơn Đoòng được Oxalis đưa vào khai thác, ông Khanh trở thành người hướng dẫn, đưa các đoàn khách, đoàn làm phim, hãng thông tấn nước ngoài thám hiểm nhiều hang động kỳ vĩ trên chính quê hương mình.

Đỗ An (Tổng hợp)