1.689 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 2,6 triệu người lao động

Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Đến ngày 23/8, đã giải ngân thực hiện 5/5 chương trình tín dụng chính sách của chương trình đạt 9.832 tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022.

Cụ thể, chương trình cho học sinh, sinh viên vay mua thiết bị học tập trực tuyến 739 tỷ đồng; chương trình cho vay nhà ở xã hội 1.919 tỷ đồng; chương trình cho vay hỗ trợ việc làm 7.000 tỷ đồng; chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 173 tỷ đồng; chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1 tỷ đồng.

Việc giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động không đạt được như kỳ vọng. Ảnh: Hoàng Hà 

Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến ngày 24/8, các địa phương đã giải ngân khoảng 1.689 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 2,6 triệu người lao động.

Với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, đến ngày 19/8 đã thực hiện hỗ trợ lãi suất hơn 1 tỷ đồng đối với khoản dư nợ khoảng 3.966 tỷ đồng.

Ngoài ra, đến ngày 26/8 đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 34.970 tỷ đồng. Nhiều nơi đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ là 52.000 tỷ đồng. Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 49.100 nghìn tỷ đồng, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước là 2.900 tỷ đồng.

Bộ Tài chính không báo cáo số chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, số liệu đến hết tháng 6 là 7.400 tỷ đồng.

Còn chênh lệch số liệu 

Bộ KH-ĐT cũng nêu hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Chẳng hạn như về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, việc giải ngân không đạt được như kỳ vọng do có sự chênh lệch giữa số liệu tổng hợp tại thời điểm xây dựng chính sách và triển khai thực tế.

Dự kiến đối tượng quay trở lại thị trường lao động nhiều hơn thực tế, kinh phí dự kiến hỗ trợ đủ 3 tháng tiền thuê nhà nhưng thực tế có nhiều người lao động chỉ đề nghị hỗ trợ 1 hoặc 2 tháng tiền nhà...

Việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng gặp một số vướng mắc. Cụ thể, việc huy động nguồn vốn cho vay gặp nhiều khó khăn, việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có lãi suất chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư nên tỷ lệ trúng thầu thấp, ít nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Đến 15/8, Ngân hàng Chính sách xã hội mới phát hành được 5.000 tỷ đồng/20.400 tỷ đồng, đạt 24,5% kế hoạch.

Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của các địa phương đối với 4/5 chương trình tín dụng còn thấp. Điều này được thể hiện qua con số như chương trình cho vay nhà ở xã hội với nhu cầu 9.901 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch.

Chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính bảng và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến nhu cầu cũng chỉ 1.350 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch. Chương trình cho vay cơ sở mầm non và tiểu học ngoài công lập nhu cầu cùng chỉ 410 tỷ đồng/1.400 tỷ đồng, đạt 29.3% kế hoạch.

Riêng đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm có nhu cầu vay vốn rất lớn, đã giải ngân 100% kế hoạch (7.000 tỷ đồng), nhưng nguồn vốn của chương trình chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tổng nhu cầu đối với chương trình này trong năm 2022 và 2023 là 43.141 tỷ đồng.

Về mua máy tính bảng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền đang triển khai công tác đấu thầu cung cấp máy tính bảng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần đánh giá thêm về hiệu quả của chương trình này trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát và học sinh đã đi học trực tiếp trở lại; chất lượng máy tính bảng cung cấp cho học sinh với mức giá không quá 2,5 triệu đồng/máy.

Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị cho phép tạm dừng việc triển khai đấu thầu mua máy tính bảng và sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch khảo sát và đánh giá hiệu quả của việc triển khai chương trình và chất lượng của máy tính bảng đã phân bổ trong thời gian vừa qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc triển khai.

Về triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh còn một số hạn chế. Cụ thể, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hướng hỗ trợ lãi suất đối với trưởng hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

Các ngân hàng thương mại ngần ngại triển khai do một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán chi phí đã hỗ trợ cho khách hàng; mất thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu. Thêm vào đó là khách hàng có tâm lý e ngại công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Đối với dự án nâng cấp quốc lộ 4B dự kiến bố trí 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của chương trình để thực hiện. Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Lạng Sơn đều kiến nghị giao tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức quản lý hệ thống quốc lộ. Trường hợp giao UBND tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án, Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện các thủ tục điều chuyển thành đường địa phương và giao ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn quản lý.

Vì vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính sớm xem xét thực hiện các thủ tục điều chuyển.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bất thường để xem xét, quyết định phân bổ toàn bộ số vốn từ chương trình; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 nguồn ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án đủ điều kiện.