Kết quả điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, ngành ôtô và linh kiện có tỷ lệ chuyển giá cao lên đến 51%, xếp thứ 3 sau tài chính bảo hiểm và dệt may.

Đủ chiêu khai khống, đội giá

Sản xuất ôtô và linh kiện có tỷ lệ chuyển giá cao mà nguyên nhân chính là có công nghệ độc quyền, cộng với chính sách thuế, phí đánh vào ô tô Việt Nam phức tạp và nặng nề, hay thay đổi, khó dự đoán. Từ trước đến nay, chuyển giá trong ngành ôtô tại Việt Nam đã được đề cập đến. Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành nhiều cuộc điều tra cả nhưng vẫn thất bại.

{keywords}
Nhiều ông lớn sản xuất ô tô dính nghi vấn chuyển giá.

Trên thực tế, giá ô tô Việt Nam được xếp vào hàng đắt nhất thế giới. Giá xe ô tô ở Việt Nam hiện cao hơn 70% so với Âu, Mỹ và cao hơn 30% so với khu vực. Với số tiền 30.000USD, người Việt Nam chỉ mua được một chiếc xe trong khi cũng với số tiền này họ có thể mua được hai chiếc tại Âu, Mỹ.

Kết quả thực hiện thông qua khảo sát 91 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong lĩnh vực sản xuất ô tô và linh kiện tại Việt Nam. Phương pháp điều tra được sử dụng với tên gọi là “Kỹ thuật đếm bất đối xứng để khai thác thông tin về hoạt động nhạy cảm mà người trả lời thường không muốn chia sẻ, vì e ngại hậu quả xấu có thể xảy ra.

Ngoài thuế cao, còn có lý do là chi phí góp vốn đầu tư, máy móc thiết bị, phí bản quyền, giá bộ linh kiện... đã bị khai khống cao hơn giá trị thật rất nhiều.

Theo các chuyên gia, việc chuyển giá ô tô của các DN FDI được thực hiện ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư là những tập đoàn lớn, có máy móc thiết bị công nghệ hiện đại nên sẽ tiến hành góp vốn bằng nguồn lực này. Trong khi đó, phía Việt Nam chưa đủ năng lực để thẩm định giá các loại thiết bị công nghệ hiện đại nên thường bị đối tác nước ngoài định giá cao hơn giá trị thực tế.

Việc định giá cao sẽ nâng giá trị vốn góp trong liên doanh và chiếm lấy quyền quản trị công ty. Từ đó, giúp cho nhà đầu tư chuyển một lượng tiền ngược trở ra cho công ty mẹ ngay từ lúc đầu tư và thông qua chi phí khấu hao hàng năm.

Trong khi đó, theo các cơ quan chức năng, hiện hầu hết các DN ô tô có dây chuyền sản xuất, lắp ráp lạc hậu, thủ công và ít đầu tư mới.

Ngoài việc nâng giá trị tài sản vốn góp liên doanh, nhà đầu tư còn chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ và thu phí tiền bản quyền. Đây là một loại chi phí chiếm tỷ trọng lớn do khấu hao giá trị tài sản cố định vô hình.

Tiếp đến, do tỷ lệ nội địa thấp nên các linh kiện chủ yếu phải nhập khẩu từ các công ty đa quốc gia được định giá do công ty mẹ. Việc định giá cao bộ linh kiện nhập khẩu sẽ khiến cho chi phí đội lên, làm giá thành tăng, giảm lợi nhuận, qua đó các DN ô tô giảm nộp thuế thu nhập DN, trong khi công ty mẹ vẫn có lãi lớn về bán linh kiện.

Trên thực tế có nhiều bộ linh kiện ô tô nhập về Việt Nam có giá khai báo cao ngang bằng với giá 1 một chiếc ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.

Chuyển giá do bất ổn chính sách?

Các cơ quan chức năng có thể biết giá nhập linh kiện để lắp ráp một chiếc xe hơi tại Việt Nam cao hơn tới 30% so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, làm sao biết được giá thực của một cái khung xe hay một cái động cơ là bao nhiêu, khi phần lớn các linh kiện đó chỉ được mua bán qua lại giữa các công ty trong cùng tập đoàn với nhau chứ không bán ra thị trường.

Theo giám đốc 1 DN ôtô, 1 bộ vành đúc 16 inch dùng cho các mẫu xe sedan hạng C... DN mua từ 1 DN FDI Nhật Bản tại Việt Nam chỉ có giá 800.000 đồng và lắp lên xe bán cho khách hàng tính 1,2 triệu đồng nhưng cũng bộ vành đó các DN FDI lắp vào xe tính với giá bán 3 triệu đồng.

Đấy chỉ là một linh kiện dễ sản xuất, dễ mua, chưa đòi hỏi công nghệ cao, còn với những linh kiện đòi hỏi công nghệ cao, có bí quyết riêng thì chắc chắn giá còn bị đội lên rất nhiều. Theo tính toán của giám đốc này, các DN FDI ô tô thường chuyển giá bình quân khoảng trên 10% - 15% giá trị xe.

Trên thực tế, các DN FDI ô tô tại Việt Nam có công suất khai thác rất thấp. Thông thường sản lượng thấp thì dễ bị thua lỗ và khi hoạt động không hiệu quả sẽ phải rút lui. Thế nhưng, chẳng DN nào rút lui và các liên doanh vẫn tồn tại cho dù chỉ với sản lượng chưa tới 10.000 xe/năm.

Theo tiến sỹ Edmund Malesky Đại học Duke (Mỹ), chúng tôi thấy ở những lĩnh vực sản xuất nào có chính sách thuế phí bất ổn, khó dự đoán được tương lai thì tình trạng DN chuyển giá sẽ xuất hiện nhiều.

“Việt Nam đang áp dụng chính sách thuế, phí quá phức tạp và nặng nề với sản xuất ô tô. Chính sách thuế phí thường xuyên thay đổi, thiếu ổn định, khó dự đoán. Đây chính là nguyên nhân khiến các DN FDI chuyển giá”, chuyên gia này nhận định.

Để hạn chế tình trạng này hãy xây dựng lộ trình cụ thể về thuế suất với ô tô, đảm bảo sự ổn định và dễ dự báo được. Cùng với đó nên đưa chính sách thuế thu nhập DN tiệm cận với các nước trong khu vực thì tình trạng chuyển giá sẽ giảm.

Báo cáo của Nhóm nghiên cứu thuộc VCCI và USAID cũng cho biết, có 20% DN FDI đã thừa nhận chuyển giá. Xác suất DN coi Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu thực hiện chuyển giá là 13-20%. Bên cạnh đó, 37% DN FDI đến từ nước có thuế suất thấp hơn Việt Nam, có xu hướng thực hiện chuyển giá. Không những thế, có 65,1% DN FDI có lợi nhuận lớn hơn 20% có thực hiện chuyển giá và 44,5% DN lợi nhuận từ 10-20% thực hiện hành vi này.

 Trần Thủy