Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất được dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020. Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng, đầu tư công hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Đây có thể coi là các yếu tố giúp hoạt động sản xuất và kinh doanh thép tăng mạnh trở lại trong tháng 7. Nhiều doanh nghiệp thép bứt phá. Khó khăn bỗng chốc thành cơ hội đối với các doanh nghiệp lớn.
Theo VSA, tính riêng trong tháng 7, sản xuất thép các loại trong nước đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 7,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ 2019 bất chấp khó khăn vì Covid. Thép các loại bán ra đạt gần 1,956 triệu tấn, tăng 11,25% so với tháng 6 nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 424,7 nghìn tấn, tăng 41,37% so với tháng trước và tăng 16,2% so với tháng 7/2019.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long và Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ là các doanh nghiệp thép ghi nhận kết quả kinh doanh tốt giữa đại dịch Covid-19, trái ngược với tình hình ảm đạm của nhiều doanh nghiệp thép quy mô vừa và nhỏ khác.
Tình hình sản xuất thép tháng 7/2020. |
Trong 6 tháng, Hòa Phát ghi nhận gần 39,7 nghìn tỷ đồng doanh thu và 5.060 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 30% và 31% so với cùng kỳ năm trước. HSG cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận tăng mạnh.
Cổ phiếu HPG tăng mạnh từ mức 13.300 đồng/cp hôm 27/3 lên mức 24.350 đồng/cp vào giữa phiên giao dịch 18/8. Tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm vài trăm triệu USD lên mức 1,1 tỷ USD theo tính toán của Forbes.
Mức tăng trên 80% giúp vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát tăng thêm khoảng 1,6-1,7 tỷ USD trong một thời gian ngắn.
Sở dĩ một số doanh nghiệp thép lớn ghi nhận sự bứt phá giữa đại dịch là bởi gói đầu tư công lớn đang được thúc đẩy triển khai, với một phần lớn đổ vào cơ sở hạ tầng, đã giúp nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xuất khẩu thép và phôi thép sang Trung Quốc và các thị trường trong khu vực.
Theo Chứng khoán BSC, gói đầu tư công 700 nghìn tỷ được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho hoạt động xây dựng kể từ 2021. Trong bối cảnh đó, giá nguyên liệu đầu vào như than, phôi thép dẹt giảm sẽ giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đảm bảo lợi nhuận.
Ông Trần Đình Long. |
Trước đó, 2020 cũng được dự báo là năm có nhiều triển vọng đối với ngành thép nhờ cơ hội đến từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA. Các doanh nghiệp lớn có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thép ra thị trường mới.
Tại đại hội cổ đông thương niên, đại diện HPG cho biết, tiêu thụ thép xây dựng nội địa có thể giảm nhưng xuất khẩu phôi ra nước ngoài tăng mạnh, phôi xuất khẩu có lãi từ 300.000 đến gần 1 triệu đồng/tấn.
Trong tháng 4, khi Việt Nam cách ly toàn xã hội 3 tuần, HPG vẫn xuất khẩu 180.000 tấn phôi, chủ yếu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó là Philippines và Thái Lan.
Trên thực tế, BSC tiếp tục duy trì quan điểm trung lập với ngành thép trong năm 2020. Dự báo tổng tiêu thụ nội địa với các sản phẩm thép giảm từ 9-10% trong năm 2020. Dù vậy, những tín hiệu trong quý I và II cho thấy, một số doanh nghiệp lớn được hưởng lợi.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 18/8, chỉ số VN-Index giảm nhẹ và hiện ở quanh ngưỡng 850 điểm.
Theo YSVN, thị trường có thể tiếp tục đi ngang quanh ngưỡng trung bình 50 phiên. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền vẫn còn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và thị trường chỉ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ hoặc chỉ điều chỉnh trong phiên. Ngoài ra, tâm lý ngắn hạn vẫn ở mức lạc quan cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/8, VN-Index giảm 0,59 điểm xuống 850,15 điểm; HNX-Index tăng 0,98 điểm lên 117,21 điểm. Upcom-Index tăng 0,12 điểm lên 56,86 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 4,7 ngàn tỷ đồng.
V. Hà