Rủi ro khó lường trên thị trường thế giới khiến nhiều đại gia ngành thép trong nước sống trong lo lắng bất an. Các dự án mở rộng có thể đối mặt với áp lực về vay nợ nếu việc bán hàng trong nước và xuất khẩu gặp khó khăn.

CTCP Thép Pomina (POM) vừa tài chính hợp nhất quý 1/2019 với giá vốn bán hàng tăng mạnh nên lỗ gần 84 tỷ đồng, đối lập với khoản lãi gần 210 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý lỗ đầu tiên kể từ đầu năm 2015. 

Giá cổ phiếu POM tiếp tục giảm xuống dưới 8.000 đồng/cp và hiện đang ở mức đáy 2 năm.

Tình huống thua lỗ và cổ phiếu thấp là chưa từng có trong lịch sử DN này.

Sở dĩ Pomina đối mặt với khó khăn là do giá vốn tăng mạnh, chi phí lãi vay tăng cao, trong khi giá bán không tăng. Doanh thu chững lại, thị trường nội địa không có đột biến, trong khi xuất khẩu chỉ chiếm 28%.

Trước đó, đại gia thép Việt Pomina bất ngờ dính vụ 100 bánh cocain trị giá khoảng 800 tỷ đồng lẫn trong container chứa hàng của công ty con của doanh nghiệp này. Vụ án đã được khởi tố hồi đầu tháng 8/2018. Đại diện DN, đã khẳng định công ty không nhập hàng cấm và hợp tác với công an để điều tra để sớm sáng tỏ để tránh gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến công ty, song vụ việc cũng ảnh hưởng tiêu cực tới DN.

Trên thực tế, không chỉ Pomina mà nhiều doanh nghiệp ngành thép khác cũng gặp khó khăn và thua lỗ trong quý 1/2019, như trường hợp Thép Nam Kim (NKG) báo lỗ hơn 170 tỷ đồng; Thép Dana - Ý (DNY) lỗ 57 tỷ; Việt Ý lỗ 34 tỷ,...

Nguyên nhân có nhiều, nhưng yếu tố quan trọng là giá vốn tăng mạnh từ những nguồn đầu vào giá cao hơn. Bên cạnh đó nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng do lo ngại thị trường bất động sản trong nước chững lãi và triển vọng xuất khẩu không sáng sủa.

{keywords}
Ông trùm ngành thép Trần Đình Long mất danh hiệu tỷ phú USD trong năm 2019.

Đại gia thép Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long cũng chịu nhiều áp lực. Gần đây, một số cổ đông nước ngoài thoái vốn, giảm tỷ lệ xuống dưới 5%, không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp.

Hòa Phát đang triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52 ngàn tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng. Đây là một dự án trọng điểm của ông Trần Đình Long và có thể giúp HPG “cao gấp 2 lần” trong thời gian tới. 

Với nhiều cổ đông của ngành thép, lo ngại với các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều. Thị trường bất động sản trong nước thời gian gần đây có dấu hiệu chùng xuống, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM đều sụt giảm. Nguồn tín dụng vào BĐS hạn chế và có thể còn bị siết chặt hơn nữa trong thời gian tới.

Trong khi đó, triển vọng xuất khẩu cũng không sáng sủa. Tới nay, theo đánh giá của các doanh nghiệp, thép Việt xuất khẩu sang Mỹ hiện đạt khoảng 10% tổng sản lượng ngành thép sản xuất được và còn quá nhỏ so với cầu tại Mỹ. Nhưng việc xuất khẩu sang thị trường này không dễ.

Cũng cách đây khoảng 1 năm, theo Reuters, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ quyết định áp mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên tới hàng trăm phần trăm đối với các sản phẩm thép của Việt Nam.

Các mức thuế này được áp dụng cùng với mức thuế 25% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp lên thép được nhập khẩu từ hầu hết các nước là đối tác thương mại của Mỹ sau cuộc điều tra nhằm vào thép và nhôm nhập khẩu.

Hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của thép Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ bị Mỹ áp thêm thuế do lo ngại tình trạng thép Trung Quốc đội lốt xuất xứ Việt Nam là khá lớn, đe dọa đến triển vọng của các đại gia thép trong nước.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn có những hành động cứng rắn đối với đối thủ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo kết luận của Mỹ, các sản phẩm của Trung Quốc đang chuyển hướng xuất khẩu tràn lan sang các nước khác. Ngành công nghiệp thép toàn cầu trong thời gian qua phải vật lộn vì việc sản xuất dư thừa đã đẩy giá xuống, mà phần lớn nằm ở Trung Quốc.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 17/5, các cổ phiếu ngành thép vẫn giảm giá. DNY thậm chí giảm sàn 10%. Hòa Phát của ông Trần Đình Long giảm 0,2%; Tôn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ giảm 1,1%...

Nhiều cổ phiếu blue-chips không còn đủ sức để kéo chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 980 điểm. Áp lực bán lớn và thanh khoản thấp.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, thị trường chững lại sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp của VN-Index. Các cổ phiếu lớn biến động giằng co, trong khi nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ trỗi dậy mạnh mẽ. Một nhịp điều chỉnh nhẹ nhiều khả năng đang diễn ra, tuy nhiên xu hướng chung vẫn đang còn tích cực và cơ hội vẫn đang xuất hiện ở nhiều cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/5, VN-Index tăng 0,79 điểm lên 976,48 điểm; Hnx-Index giảm 0,3 điểm xuống 105,79 điểm và Upcom-Index giảm 0,23 điểm xuống 55,24 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 3,8 ngàn tỷ đồng

H. Tú