Người ta thường nói về đam mê, đặt những câu hỏi liên quan đến đam mê và cũng luôn tự hỏi đam mê là gì?..
Theo Wikipedia, đam mê là một cảm xúc mãnh liệt về một người hoặc một thứ gì đó. Đam mê luôn hấp dẫn, khiến con người ta bị thôi thúc vì nó.
Trong khi Wikitionary lại định nghĩa, đam mê tức ham thích thái quá, thường là cái không lành mạnh, đến mức như không còn biết việc gì khác nữa. Đơn cử như đam mê cờ bạc, rượu chè,…
Có quá nhiều khái niệm, định nghĩa cả trừu tượng lẫn thực tế được người ta diễn giải về đam mê. Nhưng đến nay, đam mê vẫn là một cái gì đấy rất mơ hồ để khi người ta nhắc về nó, luôn kèm theo mệnh đề: “Có sống được với nó không?”
Tạm gác lại việc tìm ra ý nghĩa chính xác nhất của từ “đam mê”, các bạn hãy cứ lắng nghe câu chuyện mà GameSao kể sau đây về một mô hình khởi nghiệp studio của những người trẻ Việt đang ở lứa tuổi đôi mươi.
Đó là 23 Creative VN!
Từ anh Phó phòng, “rẽ ngang” sang làm bình luận viên eSports
Đặng Nguyễn Mỹ, nickname Mỹ Bướm, sinh năm 1988, là một nhân viên văn phòng như bao người bình thường khác. Sau một năm làm việc dưới chức danh Phó phòng Kỹ thuật với mức lương “khá là ổn định” và “cái quan trọng là cơ hội thăng tiến của mình trong công ty đấy là có”, Mỹ Bướm đã quyết định xin nghỉ việc bởi “thực sự với cái bản chất con người mình và với cái cá tính của mình thì mình không chấp nhận một cuộc sống như thế.”
“Lúc mình đi mình quyết định rất nhanh. Đó là khi mình nhận được thông báo là ESV có ý định muốn gọi mình về làm”, Mỹ Bướm nói.
Mỹ Bướm chia sẻ, tại thời điểm đó, gia đình khuyên anh không nên thế vì “cũng có tuổi rồi bởi mình bắt đầu nghề caster khi đã hơn 27 tuổi.” Chính anh cũng phải thừa nhận, mức lương khi còn đảm nhận vị trí cộng tác viên tại ESV chỉ bằng 1/3 – ¼ so với mức thu nhập ở công ty cũ.
“Nhưng đối với mình đó không phải là một sự lựa chọn quá khó khăn”, Mỹ Bướm khẳng định. “Đối với mình, thu nhập hàng tháng mang tính chất trả lương nó không phải là câu chuyện mà mình suy nghĩ quá nhiều. Không phải bởi nhà mình khá giả mà bởi mình muốn có một cuộc sống mà mình cảm thấy đầy đủ về mặt tinh thần, nó phải phù hợp với cá tính, tính cách của mình.”
Tất cả xuất phát từ tình yêu Dota 2, niềm yêu thích với công việc bình luận thể thao điện tử, mà theo Mỹ Bướm “nó như là cái bản năng nên mình muốn đi theo nghề bình luận từ đấy.”
“Ngày xưa mình cũng có ý định đi theo nghề bình luận bóng đá, nhưng mà cái cơ hội nó không đến. Mình có đi thi chương trình ‘Người Truyền Lửa’ của K+ nhưng hồi đấy mình còn ‘non’ quá!”, Mỹ Bướm thuật lại.
Chuyển sang một môi trường mới, một công việc hoàn toàn lạ lẫm mà chưa từng nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi và biến nó trở thành nghề nghiệp của bản thân, nhưng Mỹ Bướm vẫn quyết tâm theo đuổi bởi đơn giản: “Dota 2 là bộ môn mình yêu thích rồi, mặc dù mình chơi cũng không phải là xuất sắc đâu. Nhưng mình rất là yêu thích và dành nhiều thời gian cho nó.”
Sau hai năm gắn bó với nghề caster và đã trở thành một trong những BLV Dota 2 kỳ cựu nhất tại Việt Nam, Mỹ Bướm quan niệm: “Cái niềm đam mê này nó đi kèm với một sở thích mà nói hơi sến một tí thì gần như nó là tình yêu rồi.”
“Một công việc thực sự”
Tháng 9/2016, Mỹ Bướm cùng sáu nhân sự khác của ESV quyết định rời khỏi VTC Game để cùng nhau sáng lập nên studio 23 Creative VN với mục tiêu nâng chất lượng của giải trí trực tuyến tại Việt Nam lên một tầm cao mới.
Chu Việt Dũng, nickname Mimosa, sinh năm 1992, streamer chính của 23 Creative VN, chia sẻ: “Mức lương (ở VTC Game-PV) cũng quá là ổn định. Nhưng cũng không hiểu tại sao chúng mình lại từ bỏ mức lương ổn định để sang làm một công việc như thế này.”
“Để mà nói về công việc hiện tại thì đúng là thích”, Mimosa nói. “Mình vừa thích thể hiện và vừa thích hay khoe. Liên quan đến chơi game chẳng hạn, mình nghĩ đến đã thấy rất là vui rồi.”
Mimosa tâm sự, anh cần sự đột phá, cần thay đổi và cứ “đều đều mãi thì không có hứng thú trong công việc.” Và khi được đặt tay lên bàn phím, chơi game trước màn hình của đông đảo người xem trực tuyến và được truyền tải thông tin các trận đấu Dota 2 qua chiếc micro, Mimosa “cảm giác làm việc không biết mệt” và đây cũng chính là “công việc thực sự” mà anh đã muốn làm bấy lâu nay.
“Thật sự thì, làm về cái này, cá nhân mình tự đánh giá chưa bao giờ thấy tệ cả”, Mimosa bảy tỏ sự tự tin. Cũng sẽ có lúc tệ đấy, nhưng mình sẽ có đoạn này chữa cho đoạn kia. Không khí đang trùng trúng xuống chẳng hạn, nghĩ ra cái gì đấy kéo các bạn lên thì nó lại là đoạn hay. Nói chung là cứ làm xong hay là thấy thích hết!”
“Thực sự thì anh em đang rất khó khăn, đến thời điểm này chỉ đỡ thôi”
Đó là lời của Khổng Quốc Hưng, nickname Huko, sinh năm 1993, Giám đốc của 23 Creative VN, khi nói về tình hình hiện tại của studio.
Chia tay với ESV, “dứt tình” với VTC Game, bảy người trẻ phải tự lập toàn bộ từ tất cả các chi phí duy trì, hệ thống máy móc, thiết bị và cả văn phòng duy trì studio. Tất cả những hình ảnh mà người xem theo dõi trên kênh 23 Creative VN chưa thể khắc họa hết chặng đường khởi nghiệp mà Huko, Mỹ Bướm, Mimosa cùng những thành viên khác đang chập chững những bước đi đầu tiên.
“Chính xác thì ở cái giai đoạn này nói về tài chính cũng không thể nào ok so với một con người ở cái lứa tuổi hiện tại của mình”, Mimosa chia sẻ.
Còn theo Huko, có những lúc 23 Creative VN không có tiền đi xe buýt đến văn phòng làm việc và “không có gì ăn đành phải ông nào về nhà ông nấy bảo mẹ nấu cho ăn.”
Mặc dù “thời điểm hiện tại cũng có đồng ra đồng vào, nó cũng ổn một xíu”, nhưng theo đánh giá của “đầu tàu” 23 Creative VN thì mức lương hiện tại “vẫn chưa thỏa đáng với những gì lẽ ra anh em có thể nhận được.”
Cùng chung suy nghĩ với Huko, cả Mỹ Bướm lẫn Mimosa đều nhận định 23 Creative VN đang ở trong quãng thời gian khó khăn bởi eSports, streamer/caster vẫn còn là một khái niệm mơ hồ và khá xa vời với đông đảo người dân Việt Nam.
“Chuyện mông lung mình nghĩ là không chỉ mình là người trong cuộc mà người ngoài cuộc cũng nhìn thấy", Mỹ Bướm chia sẻ. “Vì ngành nghề bọn mình theo đuổi là eSports mà eSports ở Việt Nam thực ra là cái ngành chưa phát triển.”
“Càng làm, bọn tôi càng thấy ánh sáng”
Mỹ Bướm cho biết, trong quãng thời gian 23 Creative VN đồng hành cùng giải đấu Kiev Major (diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua), tất cả các kênh livestream đã đạt khoảng 12.000 CCU (Concurrent Users) cùng “lượng donate (tiền ủng hộ-PV) rất nhiều, khoảng 1.500 USD trong 3-4 ngày.”
“Chỉ đơn giản là bọn mình đã cố gắng rất nhiều, bỏ rất nhiều thời gian, rất nhiều công sức nên thời gian nghỉ ngơi của bọn mình rất ít, đặc biệt như Hưng”, thành viên lớn tuổi nhất trong nhóm bảy người sáng lập 23 Creative VN lý giải cho thành quả lớn nhất mà họ đã đạt được tính đến thời điểm hiện tại.
“Cái quan điểm lúc đầu của mình chắc cũng chỉ có bảy ông này đi với nhau mãi”, Mỹ Bướm bổ sung. “Nhưng mà đến một cái thời điểm sau quãng thời gian vừa rồi bọn mình đã tuyển thêm được bốn đến năm người mới - gần như là gấp đôi số lượng nhân sự cũ. Và (bọn mình) có thể trả lương cho các bạn rồi có thể đưa ra những định hướng để đi cùng với các bạn.”
Những điều đó khiến Huko khẳng định: “Càng làm, bọn tôi càng thấy ánh sáng. Càng làm, bọn tôi càng thấy được những cái đánh giá từ người trong cuộc, ngoài cuộc, những anh chị của những công ty có tiếng. Bọn tôi đều cảm thấy một điều là thực sự, cái này nó là một cái nghề thật chứ không chỉ là tư duy của bảy cái ông trẻ ngồi nghĩ với nhau ‘ồ, cái này hay, mình thử làm’…”
“Bộ sậu” của 23 Creative VN chia sẻ, hàng tháng, họ có nguồn thu chính từ Dota 2 thông qua streaming và tham gia bình luận các giải đấu lớn nhỏ bằng việc hợp tác với nhiều bên quan tâm tới nội dung eSports –trái ngược với suy nghĩ ban đầu của Huko khi “chẳng bao giờ nghĩ hoàn toàn có thể sống bằng nghề caster.”
Với những lý do trên cùng việc “anh em có thể chịu khổ với nhau, anh em có thể chịu sướng cùng nhau, rất nhiều thứ cùng nhau”, Mỹ Bướm kết lại: “Mình đã có cả ba nhân tố như thế (thiên thời - địa lợi - nhân hòa), mà mình còn không đi tiếp con đường của mình thì mình còn đi cái gì nữa?! Trong khi đấy lại là con đường mà mình rất rất muốn đi từ rất lâu rồi.”
23 Creative VN chính thức được thành lập vào tháng 9/2016. Đầu tháng 10, bảy cựu nhân sự của ESV và VTC Game đã ra mắt kênh YouTube cùng tên với đoạn video có tên “Chào Đón Kỉ Nguyên Mới”.
Sau khoảng 10 tháng hoạt động, kênh YouTube 23 Creative VN đã có hơn 2,7 triệu lượt xem, được trang web Social Blade xếp hạng B- và ước tính thu về tối đa 1.300 USD hàng tháng.
June_6th