Văn hóa của người Việt vốn đặt trọng sự tha thứ (đối với bất kỳ ai) và “dĩ hòa vi quý”. Khi các công bộc của dân thấu hiểu được chân lý đơn giản những cũng vô cùng sâu sắc này và đặt mình vào vị thế “người nhà” của dân trong mọi việc thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Đất nước chót bảng và những thách thức đang chờ

Trong phần 2 bài viết, tác giả Trần Văn Tuấn sẽ tiếp tục chỉ ra các yếu kém đang gây cản trở nỗ lực cải cách thể chế của nhà nước, đó là: chất lượng đội ngũ nhân lực (vốn được coi là  sức mạnh mềm), là  năng lực quản trị và thực thi chính sách của chính quyền các cấp.

Để đi đến thịnh vượng,  đất nước luôn cần một lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng,  tay nghề tốt, cần một nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến, cần một lý thuyết phù hợp để định hướng các mục tiêu phát triển.

Chúng ta sẽ phải đi một chặng đường tương đối dài để có thể đạt được các điều kiền “cần” cho sự thịnh vượng.

Nhìn lại những gì đang diễn ra và so sánh với những gì mà một số nước đã trải qua, có thể nói, Việt Nam có thể tăng tốc mạnh hơn nếu để ý học hỏi và tránh được những sai lầm mà một số nước từng gặp phải. Sự thành - bại của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người được coi là quan trọng nhất.

{keywords}
Việc Đồng Nai tùy tiện lấn sông xây dự án trung tâm thương mại đang nhận được quan tâm của công chúng. Ảnh: Tuấn Kiệt

Trong cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson đã chỉ ra đại ý “chính những thể chế kinh tế và chính trị do con người tạo ra là nguyên nhân của sự thành công hay không thành công về kinh tế của một đất nước”.

Mô hình và công cụ cho phát triển đất nước ngày nay không phải là những gì khó tiếp cận. Cái cốt lõi là cũng một mô hình đó và các công cụ đó, mỗi người sẽ có cách thực hành khác nhau và vì vậy nhiều lúc mang đến các kết quả không giống nhau. Ở đây, ngoài yếu tố năng lực và các điều kiện, ảnh hưởng khách quan ra thì vai trò của lãnh đạo trong việc đưa ra các quyết định mang tính đại cục là vô cùng quan trọng.

Để thúc đẩy hai trụ cột “xã hội” và “kinh tế”, những cải cách trong trụ cột “chính trị” (hướng tới sự dung hợp các lợi ích kinh tế và chính trị và đảm bảo các điều kiện để người dân sinh sống và làm ăn ổn định trên đất nước mình) nên cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với tinh thần lắng nghe và học hỏi.

Trong lĩnh vực chính trị: dù nhà nước có rất nhiều cố gắng cải cách môi trường pháp lý với mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền, thừa nhận và bảo vệ các quyền con người cơ bản nhất – đã được thể chế hóa trong Hiến Pháp sửa đổi năm 2013, nhưng từ chính sách đến thực tiễn vẫn luôn là một khoảng cách xa.

Các yếu kém trong năng lực quản trị và thực thi chính sách của chính quyền các cấp đang gây cản trở nỗ lực cải cách thể chế của đất nước. Cách tiếp cận chậm chạp và thiếu tính cầu thị của một lượng lớn đội ngũ công chức đang khiến cho ở nhiều nơi, chính quyền không nắm bắt được những cái hay, cái tinh túy của các cải cách chính sách. Thay vào đó, vai trò của dân chúng trong phản biện xã hội và giám sát chính sách đang bị xem nhẹ hay thậm chí bỏ qua.

Việt Nam cần phải làm gì để đạt được sự thịnh vượng trong tương lai gần khi mà tăng trưởng kinh tế đang chững lại, xã hội ngày một  nhiều vấn đề và các cải cách thể chế chưa thực sự đủ mạnh và phát huy hiệu quả do yếu tố con người? Câu trả lời có lẽ vượt quá khả năng người viết bài.

Chỉ xin được đề xuất dựa trên các mong muốn của người dân:

Thứ nhất, các bất cập và sai lầm trong vận hành xã hội là rất khó tránh khỏi trong bối cảnh nhà nước vừa làm, vừa học lại vừa phải khắc phục những cái chưa tốt.

Tại cuộc họp với các bộ ngành tuần qua về cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  đã thẳng thắn chỉ ra sự tụt hậu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh: "Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN-6, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao chấp nhận được. Việt Nam không thể đứng chót trong ASEAN thế này".

Với vai trò quản lý vĩ mô và thực thi pháp luật, các chủ thể có trách nhiệm cần nắm vững về “quản trị”, trong đó đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quy mô kinh tế và cơ cấu xã hội ngày nay đã khác  nhiều so với gần 30 năm về trước, do vậy yếu tố con người của một nền quản trị cũng cần phải nhanh chóng đáp ứng nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, một xã hội sẽ khó đạt được đến sự bền vững để tiếp tục phát triển nếu chỉ nhờ vào tăng trưởng kinh tế.

Khi người dân không còn phải lo lắng đến miếng cơm manh áo thì điều mà họ trông đợi từ nhà nước đó là một môi trường xã hội đảm bảo cơ hội bình đẳng cho mọi công dân trong tiếp cận các dịch vụ công và được pháp luật bảo vệ trước bất kỳ sự xâm hại nào hay đến từ ai. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo và chưa thể đảm bảo được một nền tảng phúc lợi xã hội như mong muốn, điều cần ưu tiên trước hết chính là phải xây dựng một nền tảng xã hội dựa trên luật pháp thực sự, lấy Hiến Pháp và Quyền Con Người làm nền tảng. Được như vậy mỗi người dân sẽ tự thay đổi và hoàn thiện mình vì một xã hội kỷ cương hơn.

Thứ ba, các ồn ào xung quanh một số sự kiện gần đây cho thấy, người dân luôn có nhu cầu được biết chuyện gì đang và sẽ diễn ra xung quanh, có quan hệ và tác động đến đời sống của họ. Và đây là một nhu cầu chính đáng.

Chúng ta không thể đi qua ba cuộc chiến nếu không có sự đóng góp, hy sinh và đồng lòng của mấy chục triệu con người. Dù dưới bất kỳ phương thức quản trị nào, nhà nước cũng không thể làm một mình mà không có sự tham gia của người dân với các vai trò khác nhau. Cách xử lý sự cố truyền thông với những phát ngôn có phần “thiếu chuẩn bị” cùng những giải pháp tình thế càng làm càng lộ nhiều bất cập của một số lãnh đạo  tại một vài TP trong thời gian qua, vô hình trung cho thấy sự phân biệt giữa “Ta” – chính quyền và “Họ” – người dân trong cách nghĩ của một bộ phận cán bộ công quyền.

Văn hóa của người Việt vốn đặt trọng sự tha thứ (đối với bất kỳ ai) và “dĩ hòa vi quý”.  Khi các công bộc của dân thấu hiểu được chân lý đơn giản nhưng cũng vô cùng sâu sắc này và đặt mình vào vị thế “người nhà” của dân trong mọi việc thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Hãy nhận lỗi và chịu trách nhiệm trước dân mỗi khi vấp ngã, đừng xem dân như bên thứ ba để cần phải đối phó khi có sai sót. Nguyên tắc này tuy không phải là cái mới mẻ nhưng có lẽ cần được nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước ngày nay học lại.

Trần Văn Tuấn