- Tôi đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và nghỉ theo chế độ thai sản thì bị công ty thông báo cho thôi việc, lí do tôi không đảm bảo tiến độ công việc được giao (tôi làm mảng sản xuất). 

Tôi rất bức xúc vì tôi nghỉ theo chế độ nhà nước quy định, nay công ty cho nghỉ việc thì không thể đảm bảo cho cuộc sống. Xin hỏi công ty làm như vậy là đúng hay sai? Tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

{keywords}
Lao động nữ là đối tượng lao động được hưởng một số chính sách đặc biệt (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 155 và Điều 158 Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013), người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần có đơn trực tiếp hoặc thông qua tổ chức công đoàn yêu cầu giám đốc công ty tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký. Đồng thời bảo đảm việc làm cho bạn sau thời gian nghỉ thai sản.

Trường hợp Công ty không thực hiện yêu cầu, căn cứ Điều 201 và Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012, bạn có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân như sau:

- Đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương cử hòa giải viên giải quyết tranh chấp. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng, kể từ ngày bạn phát hiện ra quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết (tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động). Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày bạn phát hiện ra quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc