Kính thưa quý vị và các bạn!

Mặc dù đã có nhiều chỉ đạo, nhiều biện pháp được đưa ra nhằm vận hành các tuyến đường BOT nhưng thực tế cho thấy còn rất nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, đặc biệt là trong thời gian qua.

Vấn đề đặt ra là vì sao một chính sách được đánh giá là phù hợp nhưng lại khiến cả cơ quan quản lý hết sức vất vả, môt bộ phận người dân bức xúc và bản thân các doanh nghiệp đầu tư BOT cũng kêu ca?

Cần phải tiếp tục làm gì để phát huy những cái được, khắc phục những bất cập và có những cách thức quản lý phù hợp nhằm thực sự tạo ra nhận thức đúng đắn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, vận hành BOT là vấn đề mà Góc nhìn thẳng tìm câu trả lời từ ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP- Bộ Giao thông Vận tải).

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi về BOT dưới đây:  

 

Nhà báo Như Quỳnh: Thưa ông, câu hỏi đầu tiên xin được đặt ra, vì sao một chính sách được đánh giá là phù hợp nhưng lại khiến cả cơ quan quản lý hết sức vất vả, người dân và bản thân các doanh nghiệp đầu tư BOT cũng kêu ca?

Ông Nguyễn Danh Huy: Triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư là chủ trương lớn của Đảng. Thời gian qua, chúng tôi thấy rằng còn những bất cập nhất định. Có thể nói, có những nguyên nhân cơ bản của những bất cập đó như sau:

Thứ nhất, tất cả các chủ thể tham gia vào BOT đều rất thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức. Thứ hai, hệ thống quy định về pháp luật của chúng ta trong vấn đề này còn nhiều bất cập. Thứ ba, quá trình thực thi, một số chủ thể trong cả quá trình quản lý, thực hiện đầu tư chưa làm hết trách nhiệm. Ví dụ, đơn vị tư vấn, trong quá trình khảo sát thiết kế có những tồn tại, sai sót; nhà đầu tư thực hiện dự án có những thiết sót về chất lượng... Thứ tư, chính sách phí thì phải nói rằng chúng ta chưa lường hết được những bất cập, những tác động đến người dân. 

Đó là những nguyên nhân cơ bản tạo ra những bất cập trong lĩnh vực BOT thời gian qua. Bên cạnh đó, có những yếu tố lịch sử như có những dự án chúng ta triển khai từ trước năm 2010, tại thời điểm đó chúng ta có những trạm thu phí để nộp ngân sách. Do khó khăn về ngân sách nên Chính phủ quyết định dùng nguồn ngân sách đó để hoàn vốn cho một số dự án BOT nằm ngoài phạm vị dự án. Tại thời điểm đó, quyết định của Chính phủ là đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi chúng ta tiến hành thu phí vào Qũy bảo trì đường bộ thì và các quy định về BOT mới được ban hành thì việc này bộc lộ bất cập vì trạm thi phí nằm ngoài phạm vi dự án. 

Nhà báo Như Quỳnh: Có quá nhiều chuyện phức tạp trong việc vận hành các tuyến đường BOT từ trả tiền lẻ...  và hiện là vấn đề dân kiểm đếm phương tiện qua trạm BOT để báo cáo cơ quan chức năng....và dường như chúng ta chưa có giải pháp tổng thể cho những vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Danh Huy: Trước tiên, việc trả tiền lẻ, thì đó là phản ứng của người sử dụng dịch vụ khi họ chưa bằng lòng với chính sách đó. Có nhiều giải pháp và cần nhiều thứ  để xử lý việc

này như hoàn thiện các quy định của pháp luật cho đến xử lý các vấn đề bất cấp trong quá trình thực hiện. Việc này, Chính phủ đã có chỉ đạo và chúng tôi đang thực hiện.

Vấn đề nữa là người dân giám sát, chúng tôi cho rằng việc đó quá đúng vì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quy định về giám sát cộng đồng. Người dân hoàn toàn có quyền được biết, được giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước trong phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm và theo đúng quy định của pháp luật. Tôi đánh giá rất cao việc người dân giám sát tại các trạm thu phí.

 

{keywords}
Ông Nguyễn Danh  Huy: "Đến 31 tháng 12 năm nay nếu trạm thu phí BOT nào không triển khai thu phí tự động, không dừng thì sẽ cho ngừng việc thu phí". 

 

Nhà báo Như Quỳnh: Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quan trọng trong việc xử lý những bất cập đối với những tuyến đường BOT đã đưa vào vận hành, đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã làm gì và kết quả đạt được ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Danh Huy: Thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo từ năm 2016. Từ đó đến nay, chúng tôi đã  từng bước  rà soát và xử lý. Để xử lý những bất cập đó có những vấn đề đòi hỏi thời gian, lại có những giải pháp đòi hỏi nguồn lực.  Trong điều kiện hiện nay, việc bố trí nguồn lực để xử lý là  rất khó khăn.

Đến tháng 12 năm 2018 chúng tôi đã báo cáo và chia những bất cập thành các nhóm. Thứ nhất, là các dự án BOT nằm ngoài phạm vi dự án. Nhóm này thì chúng tôi đã dừng triển khai 13 dự án, kể cả các dự án đã lý hợp đồng. Đối với các trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều phương án, có những phương án mà chúng ta xem xét cả khả năng cân đối nguồn lực để mua lại. Thứ hai, là các dự án sụt giảm doanh thu. Thứ ba, là các dự án bất cập về chính sách phí, riêng với các dự án này, chúng tôi cũng xin chia sẻ là Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ làm việc với tất cả các tỉnh, thành phố có các dự án BOT để tìm hiểu, đánh giá các bất cập, đàm phán với các nhà đầu tư, kể cả các ngân hàng để đưa ra các giải pháp xử lý. Có thể nói hiện nay, tất cả các trạm thu phí BOT cơ bản đã áp dụng hình thức miễn giảm phí cho người dân xung quanh khu vực trạm thu phí.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm, các dự án thu phí gồm hai loại thu phí kín  và thu phí hở. Thu phí kín thì người sử dụng đi km nào trả tiền theo số km đó. Còn trên quốc lộ thực hiện thu phí lượt, hình thức này trên thế giới cũng vậy, không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối.  Nên chúng ta chỉ xử lý được phần nào bất cập chứ không thể đạt được công bằng một cách tuyệt đối. 

Nhà báo Như Quỳnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu giải quyết dứt điểm những bất cập của BOT như chưa có giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để các bất cập tại các trạm BOT, chưa có phương án giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến vị trí đặt trạm; chưa có phương án quản lý chặt chẽ hoạt động thu phí, nhất là việc xác định lưu lượng xe trên đường còn mang tính cơ học, số liệu thống kê chủ yếu dựa vào báo cáo của nhà đầu tư... vậy những yêu cầu trên đã được thực hiện thế nào?

Ông Nguyễn Danh Huy: Sau kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp cuối năm 2018, như tôi đã nói, chúng tôi đã phối hợp với một số bộ, ngành xử lý nhiều việc, Ví dụ như trạm thu phí Cai Lậy thì chúng tôi đã làm việc với chủ đầu tư, Hiệp hội giao thông vận tải, địa phương để đưa ra phương án hợp lý nhất. Như tôi đã nói ở trên, thu phí lượt thì không thể có công bằng tuyệt đối nên giải pháp triệt để quả thực rất là khó. Chúng ta chỉ có thể thự hiện sao cho giảm thiểu tối đa tác động đến người dân, doanh nghiệp. Hiện chúng tôi đang triển khai tổng thể và trong năm nay sẽ làm với từng dự án cụ thể.

Nhà báo Như Quỳnh: Nhưng vấn đề nổi cộm là việc kiểm soát lưu lượng xe qua lại các trạm BOT thì Bộ Giao thông Vận tải có cách thức gì tối ưu viêc này?

Ông Nguyễn Danh Huy: Từ trước đến nay, chúng ta thực hiện thu phí bằng tay và chủ yếu là giám sát bằng con người. Và chúng ta cũng không có đủ nguồn lực giám sát 24/24 giờ đối với tất cả các trạm thu phí. Trong trường hợp nhà đầu tư nếu có vi phạm như thất thu phí hay gian lận trong thu phí phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật. 

Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đang chỉ đạo triển khai hai giải pháp cơ bản. Thứ nhất là đẩy mạnh thu phí tự động không dừng. Và còn triệt để hơn là Tổng cục Đường bộ đang triển khai lắp đặt, kết nối camera tại tất cả các làn thu phí của các trạm, truyền  trực tiếp hình ảnh theo thời gian thực về Tổng cục Đường bộ và sử dụng các phần mềm nhận diện hình ảnh  để xác định doanh thu, xác định lưu lượng. Từ đó, đối chiếu với báo cáo của các nhà đầu tư. 

 

{keywords}
"Nên đặt vấn đề quản lý hoạt động của các nhà đầu tư BOT như thế nào chứ không nên đặt vấn đề Nhà nước mua lại BOT"- ông Nguyễn Danh Huy nói. 

 Nhà báo Như Quỳnh: Thưa ông, việc thu phí tự động, không dừng không những góp phần làm giảm ùn, tắc mà còn góp phần mình bạch nguồn thu của các tuyến BOT cũng chậm và cũng còn không ít vướng mắc, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm gì để đẩy nhanh việc thu phí tự động?

Ông Nguyễn Danh Huy: Khi ký hợp đồng với các nhà đầu tư thì không có nội dung ràng buộc họ là phải thu phí tự động. Khi chúng ta đưa ra một cách thức mới, đàm phán lại hợp đồng thì cũng phải cân đối quyền lợi, nghĩa vụ và các trách nhiệm pháp lý được nêu trong hợp đồng. Không thể chúng ta nói hôm nay, ngày mai yêu cầu nhà đầu tư làm ngay được vì họ phải đầu tư hệ thống thu phí, phải có đường truyền, có phần mềm, có nhân lực, vật lực để triển khai. 

Đến nay, tiến độ thu phí  tự động không dừng giai đoạn 1 theo đánh giá của chúng tôi là cơ bản đáp ứng, không quá chậm. Vì hiện nay, trên tổng số 27 trạm, dã tiến hành lắp đặt và vận hành được 26 trạm. Còn theo quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ là đến 31 tháng 12 năm 2019 phải hoàn thành nốt các trạm còn lại, thì hiện nay khó khăn cơ bản đang nằm trong các dự án của VEC (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) thì có bị chậm, chúng tôi cũng rất quan ngại. Vừa qua, cả Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lẫn thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo cũng đã rất quyết liệt. Cụ thể, đối với VEC, đã yêu cầu phải khẩn trương đưa thu phí tự động, không dừng đối với các tuyến đường cao tốc. Và bộ trưởng cũng đã nói rõ, đến 31 tháng 12 năm nay, tất cả các trạm thu phí phải đưa vào vận hành thu phí tự động, không dừng còn trạm nào không làm như thế sẽ cho ngừng thu phí đối với trạm đó. 

Nhà báo Như Quỳnh: Hiện có một số tuyến BOT có những mâu thuẫn rất khó giải quyết, nhiều ý kiến nói rằng Nhà nước nên mua lại các trạm này với giá đã được kiểm toán chứ không phải giá mà các nhà đầu tư đưa ra và Nhà nước sẽ đứng ra thu phí, Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Danh Huy: Theo các hợp đồng ký kết dựa trên các quy định của pháp luật chúng ta dựa trên tổng mức đầu tư. Đó là con số ước tính và Bộ Giao thông Vận tải không bao giờ lấy tổng mức đầu tư làm con số thanh, quyết toán. Từ năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán tất cả các dự án và đến nay 100% các dự án BOT được vận hành, khai thác đều đã được kiểm toán và xác định giá trị. Từ kết quả kiểm toán đó, chúng tôi mới xác định lại thời gian thu phí.

Về giải pháp mua lại hay không mua lại và Nhà nước thu hay không thu thì trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế, không thể đẻ thêm doanh nghiệp Nhà nước để đi làm những việc như vậy mà nên đặt ra vấn đề là quản lý các nhà đầu tư BOT như thế nào, chứ không nên đặt vấn đề Nhà nước đi làm thay những việc tư nhân có thể làm được. 

Nhà báo Như Quỳnh: Xin được hỏi thẳng, là không ít ý kiến nói rằng có lợi ích nhóm, có những việc không minh bạch trong quá trình thẩm định, cấp phép xây dựng một số tuyến BOT dẫn đến việc xử lý các vấn đề phát sinh hiện nay hết sức khó khăn, ông có thể nói gì về những ý kiến này?

Ông Nguyễn Danhh Huy: Qúa trình quản lý dự án BOT theo quy định của pháp luật thì Bộ Giao thông Vận tải thẩm định. Trong quá trình thẩm định thì có lấy ý kiến của các địa phương và các bộ, ngành do tư vấn lập, chỉ có một số ít dự án do chủ đầu tư đề xuất. Vấn đề thứ hai, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, chúng tôi luôn thực hiện đúng pháp luật. Vấn đề thứ ba, trong quá trình đàm phán hợp đồng, chúng tôi thêm 4 bộ, ngành tham gia cùng Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, địa phương có dự án cũng tham gia trong tổ công tác liên ngành để đàm phán hợp đồng. Trong quá trình thẩm định, cấp giấy phép đầu tư, Bộ KH- ĐT lại chủ trì lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương. Như vậy có minh bạch hay không thì chúng tôi phải nói rằng đã minh bạch theo quy định của pháp luật. Tất nhiên, ý kiến các chuyên gia còn yêu cầu minh bạch hơn. Minh bạch hơn là minh bạch như thế nào thì chúng ta phải luật hóa để cho các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện vì đã là công chức thì họ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Vấn đề thứ hai là lợi ích nhóm, Chính phủ cũng đã chỉ đạo, Bộ Giao thông  Vận tải cũng đã chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh với các lợi ích nhóm trong quá trình quản lý, đầu tư, vận hành các dự án BOT. Và thực tế hiện nay, chúng tôi cũng đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ KH-ĐT, Kiểm toán Nhà nước, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rà soát và phối hợp với Bộ Công an xử lý, đấu tranh với những hành vi vi phạm và xử lý nghiêm minh nếu có. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt việc xử lý với hành vi tham ô, tham nhũng, thất thoát, lợi ích nhóm trong quá trình đầu tư BOT. 

Nhà báo Như Quỳnh: Xin cảm ơn Vụ trưởng Nguyễn Danh Huy .về cuộc trao đổi thắng thắn. Hy vọng rằng với nhiều giải pháp đã và đang thực hiện, việc vận hành BOT thời gian tới sẽ thực sự hài hòa, hợp lý, thuận tiện. Xin kính chào quý vị và hẹn gặp lại.

Góc nhìn thẳng (thực hiện)