LỜI TÒA SOẠN 

Kỷ luật học sinh luôn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Tại diễn đàn "Kỷ luật học đường như thế nào để phù hợp?", VietNamNet giới thiệu câu chuyện xảy ra tại Mỹ nhiều năm về trước, được xem là một bi kịch gây chấn động. Câu chuyện nêu bật tác động của nạn bắt nạt học đường, đáng buồn hơn giáo viên lại xử lý vấn đề bằng một hình phạt chưa phù hợp, dẫn đến hậu quả đau lòng.

Ryan Halligan (1989-2003) được đánh giá là cậu bé nhạy cảm và thông minh, sống tại TP Essex Junction (bang Vermont, Mỹ). Tuy nhiên, cậu luôn gặp khó khăn trong việc hòa nhập với các bạn cùng lớp.

Cậu bé Ryan Halligan ra đi mãi mãi ở tuổi 13.

Ryan được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ chức năng cao Asperger, khiến cậu gặp khó khăn trong hiểu các tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt, cử chỉ và không tương tác với người khác.

Những khó khăn trong giao tiếp xã hội khiến Ryan trở thành mục tiêu bắt nạt ở trường. Các bạn cùng lớp chế nhạo và cô lập cậu khỏi các hoạt động tập thể. Ryan rơi vào trầm cảm và lo lắng, bắt đầu xa lánh bạn bè và gia đình.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Ryan trở thành nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Các bạn cùng lớp tạo tài khoản giả, gửi cho Ryan những tin nhắn gây tổn thương và lan truyền tin đồn thất thiệt về cậu. 

Một ngày, Ryan hỏi cha John P. Halligan, liệu ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử chưa? "Có", là câu trả lời của người chưa nhưng John lập tức khuyên can con trai: "Ryan à, con hãy thử tưởng tượng nếu cha làm vậy, chúng ta chẳng thể nào là một gia đình".

Thế nhưng khi John bận đi công tác xa nhà, Ryan đã tự treo cổ ở tuổi 13.

Hình phạt sai lầm của giáo viên

Sau sự ra đi của Ryan, cảnh sát tiến hành điều tra vụ việc. Cảnh sát phát hiện một giáo viên đã trừng phạt Ryan theo cách khiến cậu càng cảm thấy bị cô lập và tuyệt vọng.

Theo đó, trong giờ học, giáo viên thấy Ryan không tập trung vào bài giảng mà hí hoáy viết một thứ gì đó. Sau khi phát hiện cậu viết thư về cuộc đấu tranh với nạn bắt nạt, giáo viên này đã phạt Ryan bằng cách bắt cậu đứng lên và đọc to lá thư ấy.

Giáo viên có ý định khiến cả lớp cảm thông và Ryan cảm thấy được ủng hộ, nhưng hình phạt lại có tác dụng ngược.

Ryan và cha.

Theo ông John, hình phạt này khiến con trai cảm thấy vô cùng xấu hổ. Ryan trở nên cô lập và thu mình khỏi bạn bè và gia đình. Vụ việc đã tác động sâu sắc đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của Ryan, khiến cậu đi đến quyết định tự kết liễu đời mình.

Câu chuyện buồn của Ryan Halligan là một lời nhắc nhở về tác động tàn khốc của việc bắt nạt trực tiếp và trực tuyến đối với những người trẻ tuổi. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng việc tạo ra văn hóa tôn trọng và hòa nhập trong trường học, trách nhiệm của nhà trường ngăn chặn tình trạng này xảy ra.

Trường hợp của Ryan nhấn mạnh tầm quan trọng việc xem xét các tác động lâu dài tiềm ẩn của hình phạt đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc của học sinh. Mặc dù hình phạt có thể cần thiết trong một số trường hợp, nhưng chúng phải luôn được thực hiện theo cách công bằng, phù hợp và hỗ trợ sức khỏe tổng thể của học sinh. 

Ý định của giáo viên tốt nhưng cách thức thực hiện không phù hợp có thể khiến các em xấu hổ, ức chế và tiến tới những suy nghĩ, hành động đáng tiếc.

Ông John vẫn thường đến các trường học, kể lại câu chuyện đau lòng của con trai với mong muốn nâng cao nhận thức của cả giáo viên và học sinh về tác động khôn lường những ngôn từ sát thương - dù là trực tiếp hay qua mạng ảo. Lời nói gió bay, nhưng hậu quả bi thảm sẽ còn mãi.

Tử Huy

Giáo viên ngày càng thu mình và 'sợ' học sinh?

Giáo viên ngày càng thu mình và 'sợ' học sinh?

Áp lực của giáo viên về chuyện kỷ luật học sinh thực sự đang hiện hữu. Học sinh vi phạm, thách thức, vô lễ… đa phần giáo viên chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đành im lặng, cam chịu… để được yên thân.