Dân tộc Chứt là một trong 16 dân tộc rất ít người trong cả nước có điểm xuất phát thấp cả về kinh tế, đời sống, văn hóa - xã hội, sinh sống tập trung ở những vùng đặc biệt khó khăn. Họ sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp, thu nhập của đồng bào bấp bênh, không ổn định, thường xuyên đói trong thời kỳ giáp hạt. 

Trong các bản làng dân tộc Chứt ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có nhiều đảng viên trẻ tiên phong thoát nghèo, là tấm gương để đồng bào học tập. Đây là những nhân tố tích cực, điển hình giúp đồng bào thay đổi tư duy, nhận thức, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc ở vùng cao.

Anh Cao Xuân Nhàn (26 tuổi), ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa là một trong những đảng viên trẻ nhất và cũng là trưởng bản trẻ nhất xã vùng cao Thượng Hóa.

Anh là người trưởng bản rất có trách nhiệm, khi triển khai các nhiệm vụ của bản, anh Nhàn đã tuyên truyền vận động đảng viên trong Chi bộ gương mẫu làm trước để nêu gương cho bà con làm theo. Dân bản không chỉ chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước của thôn bản mà còn ý thức được việc phát triển kinh tế, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong mọi việc. Hiện bản không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ khá tăng lên.

z6073413093041_9495426000bb9c421c3a1271380cef8c.jpg
Anh Phan Chí Nhật ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hoá và mô hình trồng mít ruột đỏ.

“Bản thân tôi và bà con có trồng rừng keo, chăn nuôi bò, trâu. Mình là đảng viên trẻ nên phải đi trước, làm trước để bà con thấy được, biết được làm việc này hiệu quả, trồng cây kia hiệu quả, nuôi con này hiệu quả thì sau này bà con theo gương mình. Chỉ cần dân bản cùng chung sức phát triển kinh tế thì sẽ không còn ai đói khổ, thiếu ăn thiếu mặc”, anh Nhàn nói.

Năm 2022, anh Phan Chí Nhật (30 tuổi), ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để nuôi bò sinh sản. Nhờ làm ăn có hiệu quả, anh Nhật tiếp tục được ngân hành cho vay thêm vốn để xây dựng mô hình trồng mít ruột đỏ.

Mô hình trồng mít ruột đỏ xen lẫn khoai môn của anh Nhật được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu.

Ngoài các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, anh Nhật trồng 0,5 ha rừng sản xuất, mỗi năm có thêm thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Đối với bà con dân tộc Chứt sinh sống trên dãy Giăng Màn, trước đây việc lao động để kiếm đủ cái ăn đã khó, chưa ai nghĩ đến việc có tiền. 

Ngày nay, bà con không chỉ đảm bảo được lương thực mà đã biết làm các mô hình sản xuất để tạo ra nguồn lợi kinh tế, nâng cao đời sống. Và đảng viên trẻ Phan Chí Nhật là một trong những người tiên phong. “Mình là một thanh niên đang trẻ vừa là một đảng viên. Mong muốn làm mô hình để cho bà con nhân dân mình nhìn vào đó để mà học tập. Thứ nhất mình là đảng viên nên phải đi đầu từ đó để bà con tướng bước giảm nghèo để phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong các bản làng dân tộc Chứt ở huyện Minh Hóa, các đảng viên trẻ không chỉ tiên phong thoát nghèo mà còn là tấm gương để đồng bào học tập. Đây là những nhân tố tích cực, điển hình giúp đồng bào thay đổi tư duy, nhận thức, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Theo ông Hồ Xy, Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, là những đảng viên trẻ, từ những nguồn vốn được hỗ trợ đã dạn thực hiện các mô hình kinh tế để các đảng viên khác và bà con nhân dân học tập, noi theo phát triển kinh tế xã hội, tạo động lực cho tuổi trẻ và nhân dân làm theo để có thể hưởng được các giá trị kinh tế từ các mô hình giúp xóa đói giảm nghèo. 

Bước đầu cơ bản bà con đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của chủ hộ gia đình. Từ các nguồn vốn hỗ trợ bà con đã từng bước cải thiện được đời sống hằng ngày.