Trong những năm qua, việc cung cấp thông tin thiết yếu hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Sơn La chú trọng thực hiện.
Yên Châu là một huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La. Do địa hình đồi núi, dân cư có tới 82% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình đồ nhận thức nhiều bộ phận người dân còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin tới người dân vùng khó khăn qua hệ thống truyền thanh, truyền hình được huyện đặc biệt chú trọng.
Không chỉ sử dụng tiếng phổ thông, các bản tin còn được dịch sang tiếng các thứ tiếng dân tộc nhằm cung cấp thông tin kịp thời, hiệu quả tới nhiều đối tượng thụ hưởng.
Gia đình chị Hoàng Thị Sùng, người dân tộc Thái, thuộc hộ nghèo tại bản Đán 2, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu. Thiếu đất sản xuất, gia đình chị phải đi làm thuê quanh năm suốt tháng vẫn không đủ tiền để xây sửa căn nhà dột nát. Nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, gia đình chị đã được hỗ trợ 40 triệu đồng để sửa chữa nhà. Song song với đó, thông qua tìm hiểu thông tin về nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Sùng đã mạnh dạn vay thêm 60 triệu đồng của ngân hàng chính sách để xây dựng một ngôi nhà mới khang trang, vững chãi hơn.
“Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã có căn nhà mới để che mưa che nắng. Căn nhà cũ của gia đình tôi dột nát, mưa hắt hết vào nhà, cả gia đình không có chỗ nào để trú tránh. Quần áo, đồ đạc ướt hết. Giờ có nhà mới rồi, gia đình tôi không còn lo lắng lúc mưa gió, vợ chồng có thể yên tâm làm ăn phát triển kinh tế”, chị Sùng chia sẻ.
Một trường hợp khác, gia đình anh Lò Văn Tiền, người dân tộc Thái, tại bản Nhôm, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào nương ngô, một năm chỉ được thu hoạch một lần, vất vả làm lụng cũng chẳng đủ ăn.
Thông qua hệ thống thông tin cơ sở, anh Tiền nhận thấy việc chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng dâu tây sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cơ hơn, nhờ đó, anh Tiền đã mạnh dạn tiên phong thử nghiệm phương pháp này.
Hệ thống thông tin cơ sở đang góp phần thay đổi cuộc sống người dân nghèo tại huyện biên giới Yên Châu.
Song song với đó, anh Tiền cũng tích cực tìm hiểu thông tin về cách thức chăm sóc dâu tây, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, nhờ đó, mỗi năm gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng.
Thoát nghèo nhờ trồng dâu tây, anh Tiền cũng không giấu giếm bí quyết, chia sẻ cách chăm sóc, phát triển cây giống cho bà con xung quanh, nhờ đó, nhiều hộ dân tại bản Nhôm cũng chuyển sang trồng dâu tây và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ nguồn vốn tích lũy được sau các vụ dâu tây, anh Tiền tiếp tục đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động, qua đó giúp tiết kiệm tới 50% lượng nước và 75% sức lao động.
Có thể nói, hệ thống thông tin cơ sở tại Sơn La nói chung, huyện Yên Châu nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với những thông tin thiết yếu, từ đó giúp họ chủ động hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay chính sách, các cách thức, phương pháp phát triển kinh tế hộ gia đình để hướng tới vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ những hiệu quả của hộ hệ thống loa truyền thanh, hệ thống thông tin cơ sở mang lại cho đời sống nhân dân, huyện Yên Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống máy thu, phát sóng để nâng cao chất lượng truyền tải âm thanh.
Song song với đó, công tác nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý, vận hành các thiết bị cho các cán bộ và nhân viên tại các trạm truyền thanh cơ sở cũng được chú trọng nhằm kịp thời chuyển tải các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới với người dân thụ hưởng.