Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, Ninh Thuận có 7.874 hộ, chiếm tỷ lệ 4,21%; 8.620 hộ cận nghèo (4,61%). Hộ nghèo thuộc khu vực thành thị là 874 hộ; hộ nghèo khu vực nông thôn là 7.000 hộ.

Theo báo cáo mới nhất của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Thuận, đến ngày 15/10, toàn tỉnh có 5.257 hộ nghèo (giảm hơn 2.600 hộ so với đầu năm), chiếm tỷ lệ 2,76%. Có 5/7 địa phương vượt chỉ tiêu giảm nghèo do UBND tỉnh giao đầu năm 2024, 2 địa phương còn lại chưa đạt là huyện Ninh Phước và huyện Ninh Sơn. Cùng thời điểm này, tổng sộ cận nghèo của tỉnh Ninh Thuận là 7.501 hộ (giảm hơn 1.100 hộ), chiếm tỷ lệ 3,94%.

Năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được phân bổ là hơn 192,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là hơn 66,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 126 tỷ đồng (bao gồm vốn đối ứng ngân sách địa phương). Vốn đầu tư phát triển năm 2023 chuyển sang là 23 triệu đồng; vốn sự nghiệp năm 2023 chuyển sang trên 19 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng vốn được sử dụng năm 2024 lên trên 211 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 8/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 130,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 62%. Cụ thể, vốn đầu tư phát triển giải ngân được hơn 53,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80% (bao gồm vốn 2023 chuyển nguồn); vốn sự nghiệp giải ngân được trên 77 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53% (bao gồm vốn 2023 chuyển nguồn). Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2024, giải ngân hết 100% nguồn vốn.

Các tiểu dự án thực hiện bằng nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại tỉnh Ninh Thuận được đánh giá được các địa phương thực hiện tốt, phát huy và mang lại hiệu quả thiết thực cho những đối tượng thụ hưởng, hướng đến sớm thoát nghèo, cận nghèo khi dự án kết thúc.

W-nong thon moi   Bac giang 4.jpg
Các địa phương chú trọng các hoạt động tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người nghèo.

Theo rà soát về các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Thuận không có việc làm ổn định khá cao (trên 50%), tiếp đến là không có đất sản xuất, thiếu hụt bảo hiểm y tế hay chất lượng nhà ở không bảo đảm... Do đó, tỉnh chú trọng các hoạt động tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người nghèo.

Gia đình anh Lê Anh Tuấn, thôn Tân Tiến, xã Hoà Sơn, huyện Ninh Sơn, thuộc diện hộ cận nghèo. Cuối tháng 6, anh và 6 hộ nghèo, cận nghèo trong thôn phấn khởi tiếp nhận 14 con bò sinh sản giá trị cao từ nguồn vốn tiểu dự án 1 - Dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Mỗi hộ nghèo, cận nghèo trong nhóm này được nhận 2 con bò, trị giá mỗi con hơn 18,8 triệu đồng. Tổng cộng, số kinh phí cho nhóm cộng đồng dân cư thôn Tân Tiến là hơn 440 triệu đồng; trong đó Nhà nước hỗ trợ (60%), số còn lại là nguồnđối ứng người dân bằng hiện vật (chuồng trại chăn nuôi...).

Nhận bò - nguồn sinh kế quan trọng, gia đình anh Tuấn cảm ơn các cấp chính quyền, các hội đoàn thể xã luôn quan tâm giúp đỡ, tạo các nguồn hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo như anh. Các gia đình giữ niềm tin, cố gắng chăm sóc tốt cho bò nhanh sinh sản để có vốn lo cho kinh tế gia đình và vươn lên thoát hộ cận nghèo, hộ nghèo. 

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với trên 173.700 người, chiếm 23,71% dân số của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Chăm và Raglai. Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65,39% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đa chiều, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như trồng mía, trồng cây măng tây, bưởi da xanh, mãng cầu, phát triển đàn gia súc, nuôi heo đen đặc sản, mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm tại huyện Ninh Phước; mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện Bác Ái, Thuận Bắc.

Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất. Ninh Thuận phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, giảm hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%; trong đó giảm hộ nghèo khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.