Tính đến 25/8, có 43 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Tính cả 12 dự án của ngành Công Thương, con số này có thể lên đến hơn 100.000 tỷ.
Hàng chục nghìn tỷ tiêu không hiệu quả
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho hay: Tính đến 25/8, theo báo cáo của các Bộ, ngành, có 43 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Tổng mức đầu tư lên đến hơn 42.000 tỷ.
Trong số này, đáng lo ngại nhất là các dự án đầu tư thuộc các bộ, ngành, nhất là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Thống kê của Bộ GTVT gửi Bộ KH-ĐT đã điểm mặt 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC - tên gọi mới của Vinashin sau tái cơ cấu) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có nhiều dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả nhất.
Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên đắp chiếu |
Tuy nhiên, Bộ GTVT không báo cáo cụ thể về các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả của SBIC theo hướng dẫn của Bộ KH-ĐT. Dù rằng, chỉ riêng giai đoạn từ 2000-2010, SBIC (Vinashin) có khoảng 700 dự án đầu tư, trong đó có 238 dự án đã có quyết định đầu tư từ cấp có thẩm quyền.
Đối với Công ty mẹ - TCT Hàng hải Việt Nam, báo cáo của Bộ GTVT gửi Bộ KH-ĐT cho hay có 3 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả.
Một là Dự án Đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, có tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.177 tỷ đồng. Dự án đã dừng thực hiện từ năm 2012 và đang làm thủ tục bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam.
Hai là Dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Cui có tổng mức phê duyệt sau cùng là 829 tỷ đồng, lợi nhuận đạt thấp hơn rất nhiều so với dự án được phê duyệt.
Ba là dự án đầu tư xây dựng kho bãi container tại Hải Phòng, có tổng mức đầu tư phê duyệt sau cùng là 352 tỷ đồng, dự án bị thua lỗ từ khi đưa vào khai thác.
Một loạt công ty con của Vinalines cũng lâm cảnh thua lỗ. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Sửa chữa tàu biển Vinalines có dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam. Dự án này có tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là 6.490 tỷ đồng. Dự án bắt đầu thực hiện đầu tư từ 2008, đến hết tháng 4/2017 Vinalines dã hoàn thành công tác thoái vốn và thu về một phần vốn đã đầu tư, tương đương hơn 81 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông có 2 dự án đóng mới tàu container, tổng mức đầu tư được duyệt sau cùng là hơn 1.100 tỷ đồng. Cả 2 dự án đều đang lỗ kéo dài từ năm 2009 đến nay, với tổng số lỗ luỹ kế là hơn 1.608 tỷ đồng.
Bộ NN-PTNT có tới 27 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Nam (11 dự án), Tổng công ty Cà phê (13 dự án), Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long (3 dự án). Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 909 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào nhóm dự án đã tạm dừng hoạt động (13 dự án), nhóm dự án đang sản xuất, vận hành nhưng thua lỗ (8 dự án).
Bộ Quốc phòng cũng có một số dự án tạm dừng, dở dang chưa hoàn thiện đầu tư là các dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, có 8 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.
Cả 8 dự án này đều thuộc Tổng công Giấy Việt Nam (Vinapaco). Trong đó 3 dự án sản xuất bột giấy là Dự án xưởng bột giấy khử mực giấy tissue Sông Đuống, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam và Dự án Nhà máy bột giấy Thanh Hóa.
Ngoài ra còn có dự án mở rộng giấy Bãi Bằng giai đoạn 2; Dự án Nhà máy chế biến gỗ Bãi Bằng; Dự án đầu tư Bãi xếp nguyên liệu); Dự án trồng rừng nguyên liệu (Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy KonTum).
Riêng ngành Công Thương có 12 dự án thua lỗ đắp chiếu |
Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng của 8 dự án này lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, 8 dự án kém hiệu quả của Tổng công ty Giấy chiếm tới 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.
Tại các địa phương, Bộ KH-ĐT cho hay có 21 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả, tập trung ở Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Điện Biên.
Tiêu chí nào để xác định dự án không hiệu quả?
Tiêu chí để kết luận những dự án đó không hiệu quả, Bộ KH-ĐT lý giải, một số là do Bộ này đề xuất. Chẳng hạn, số dự án có tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng so với con số đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, 15 dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 22.536 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Ngoài ra, Bộ KH-ĐT căn cứ trên số dự án có doanh thu, lợi nhuận thực tế thấp hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Cụ thể, 25 dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.384 tỷ đồng, tăng 1,14 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Bên cạnh đó, số dự án đầu tư dở dang, chưa đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng kế hoạch đầu tư là 29 dự án. Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là khoảng 4.236 tỷ đồng, tăng 1,15 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Bộ KH-ĐT còn xét trên tiêu chí số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, không bù đắp được chi phí vận hành; chi phí sản xuất thực tế cao hơn chi phí sản xuất theo tính toán khi thiết kế dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi). Thời gian lỗ thực tế kéo dài hơn thời gian lỗ kế hoạch. Con số thuộc diện này là 20 dự án, với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 12.465 tỷ đồng, tăng 1,21 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT đã không đề cập đến 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả của ngành Công Thương với tổng mức đầu tư phê duyệt lên đến hơn 63.000 tỷ đồng. Theo thống kê của Bộ KH-ĐT về danh sách các đơn vị nộp báo cáo tính đến ngày 25/8 thì không thấy sự có mặt của Bộ Công Thương. Nếu tính cả 63.000 tỷ này vào con số của Bộ KH-ĐT thì tổng vốn đầu tư của các dự án không hiệu quả có thể lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. |
Lương Bằng