Người trẻ mất việc vì Covid-19
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 đang thách thức nghiêm trọng triển vọng việc làm của 660 triệu thanh niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Việt Nam năm nay có thể tăng gấp đôi so năm 2019.
Trong năm 2020, thanh niên Việt Nam mất khoảng 370 nghìn việc làm trong ngắn hạn nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát. Trong trường hợp xấu hơn, con số này có thể lên tới 548 nghìn việc làm, khi thị trường bị gián đoạn dài hạn.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ nước ta được dự báo sẽ ở mức 10,8-13,2% trong năm nay, tùy theo tình hình dịch bệnh, tức là gần gấp đôi so mức 6,9% của năm 2019 trong điều kiện gián đoạn thị trường lao động dài hạn vì ảnh hưởng của Covid-19.
Trên bình diện khu vực, thanh niên (từ 15-24 tuổi) ở 13 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương được thu thập số liệu trong báo cáo có thể sẽ mất khoảng 10-15 triệu việc làm trong năm 2020.
Đào tạo việc làm nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ (Ảnh: Bảo An) |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch. Con số này bao gồm người bị mất việc, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không chỉ tước đi cơ hội có việc làm chính thức, đại dịch òn khiến họ rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Tính chung trong năm 2020, có 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 456.700 người so với năm 2019.
Nâng cao kỹ năng cho lao động trẻ
Để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm cho thanh niên, báo cáo khuyến nghị các chính phủ trong khu vực cần áp dụng các biện pháp ứng phó có mục tiêu và quy mô lớn, tập trung vào các chính sách toàn diện về thị trường lao động, bao gồm trợ cấp tiền lương và các chương trình việc làm khu vực công cho thanh niên, đồng thời giảm thiểu tác động đối với các sinh viên trẻ do gián đoạn quá trình học tập, đào tạo vì Covid-19.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Trong đó, có quy định hỗ trợ khoảng 4.500 tỷ đồng đào tạo và đào tạo lại cho lao động, góp phần nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc...
Liên quan tới đào tạo nghề, ông Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Trương Anh Dũng cho biết, cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp định vị mục tiêu dạy nghề trên cơ sở “kỹ năng và năng lực hành nghề của người học vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quá trình đào tạo”, đáp ứng nhu cầu việc làm chuẩn mực và bền vững.
Một giải pháp rất quan trọng nữa là xây dựng mô hình kết nối giữa cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp bảo đảm đáp ứng cung-cầu về lao động, giảm thiểu chênh lệch và thiếu hụt kỹ năng.
Ổng Trương Anh dũng nêu ví dụ cụ thể, ở cấp nhà nước sẽ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phát triển kỹ năng và năng lực hành nghề cho người lao động do một lãnh đạo cấp Chính phủ làm trưởng ban; ở cấp độ ngành thì hình thành các hội đồng kỹ năng nghề ở các lĩnh vực nghề nghiệp có sự tham gia của các bộ, ngành phụ trách, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động, người lao động, các chuyên gia chuyên ngành, các nhà khoa học; cấp cơ sở hình thành các hội đồng tư vấn đào tạo, phát triển kỹ năng ở cấp cơ sở là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp...
"Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng xây dựng lộ trình phát triển và con đường học tập suốt đời, thăng tiến nghề nghiệp cho người lao động dựa vào kỹ năng và năng lực nghề nghiệp theo 2 lộ trình cơ bản là khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia với 3 hình thức chủ yếu phấn đấu tại nhà trường, phấn đấu tại nơi làm việc và tự phấn đấu, trải nghiệm cá nhân trong đời sống và thế giới việc làm", ông Trương Anh Dũng cho biết.
Mặt khác, thời gian tới, công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sẽ được tăng cường để bảo đảm gia tăng độ tin cậy, tính hiệu lực, hiệu quả đối với chứng chỉ của người lao động và đối với người sử dụng lao động.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Bài và ảnh: Thu Thủy