Là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định, đến cuối năm 2023, Vĩnh Thạnh có tỉ lệ hộ nghèo đa chiều tới 30,98%, trong đó, có 5/9 xã đặc biệt khó khăn.

Huyện có nhiều đặc điểm bất lợi cho phát triển kinh tế như địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, dân cư phân bố thưa thớt, gần 30 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, những năm gần đây khí hậu biến đổi bất thường cũng gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện.

Đặt vấn đề thoát nghèo là trọng tâm, những năm gần đây, Vĩnh Thạnh đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động thuộc các hộ gia đình thuộc diện chính sách trên địa bàn.

Dựa vào nhu cầu phát triển của tỉnh cũng như của người dân, huyện đã phân bổ 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để tổ chức 14 lớp nghề cho 490 lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Sau khi học nghề, hơn 76% người lao động có việc làm, cũng như tự tạo việc làm với nguồn thu nhập ổn định để từ đó hơn 200 người thoát nghèo. 

W-tin 23.jpg
Tạo điều kiện cho người lao động của các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội học nghề tạo sinh kế ổn định là điều kiện tiên quyết để thoát nghèo.

Nhờ vào sự tuyên truyền tích cực cũng như chủ động của chính quyền, người dân Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình như trồng rừng, nuôi bò, dê, heo, heo rừng lai… Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ nhà ở, thực hiện dự án định canh, định cư tập trung cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. 

Thực tế, tỉ lệ nghèo đa chiều của Vĩnh Thạnh vẫn còn cao so với mặt bằng chung cả nước. Do đó, huyện đặt mục tiêu giảm tỉ lệ nghèo đa chiều mỗi năm từ 10-11%, phấn đến năm 2025 xuống dưới 10%.