Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%. Xác định chăn nuôi bò là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, những năm qua, huyện Mèo Vạc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa.

Từ các nguồn hỗ trợ ngân sách Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, huyện tích cực triển khai, nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo. Đồng thời, Mèo Vạc thực hiện chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ tạo thức ăn cho bò; chú trọng công tác thụ tinh nhân tạo và phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò.

Những năm qua, nhờ Dự án “Chăn nuôi bò vỗ béo” người dân trên địa bàn xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, có điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Từ ngày 19-27/7, xã giải ngân Dự án Chăn nuôi bò vỗ béo cho 5 thôn gồm: Mã Pì Lèng, Pả Vi Thượng, Pả Vi Hạ, Há Súng và Kho Tấu.

132 hộ dân nghèo được hỗ trợ vay 15 triệu đồng/hộ, tổng cộng số tiền cho các hộ là trên 2 tỷ đồng, thời gian cho vay là 18 tháng. Sau thời gian này, các hộ dân sẽ trả lại nhà nước 35% số vốn được hỗ trợ vay, 65% còn lại các hộ được hưởng.

Các hộ tham gia dự án lần này đều được xã thẩm định về các điều kiện để chăn nuôi như: Chuồng trại, con giống, diện tích đất trồng cỏ, có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò…

Các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, là nguồn hỗ trợ đắc lực để các xã nghèo tại Mèo Vạc đổi thay diện mạo, nâng cao đời sống người dân nghèo, phát triển kinh tế - xã hội... Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các xã tập trung thực hiện hiệu quả các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất về chăn nuôi bò vỗ béo, lợn sinh sản, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo… 

W-Giảm nghèo (127).jpg
Chương trình mục tiêu quốc gia là nguồn hỗ trợ đắc lực để các xã nghèo vùng cao đổi thay diện mạo, nâng cao đời sống người dân.

Tại xã Cán Chu Phìn, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia cũng hỗ trợ người nghèo ở đây dự án nuôi bò vỗ béo. Gia đình anh Vừ Mí Dế, chị Ly Thị Dính là 1 trong 19 hộ gia đình ở thôn Cán Chu Phìn được thụ hưởng dự án này. Sau khi được hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình đã sửa sang lại chuồng trại, mua bò gầy về để vỗ béo. 

Còn gia đình anh Vừ Mí Vư cho biết sau khi được hỗ trợ kinh phí mua bò gầy về vỗ béo, đến năm 2024, gia đình anh đã bán được 2 lần và thu về hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Nhờ đó, anh có thêm tiền để sửa sang lại nhà cửa kiên cố, khang trang.

Ông Vàng Mí Trạ, Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn, cho biết trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, xã đã thực hiện giải ngân dựa trên kết quả nghiệm thu; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nhân dân; đồng thời khơi dậy ý chí vươn lên của các hộ gia đình. Nhờ đó, trong năm 2023, xã đã có 6% hộ vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn xã có 1.242 hộ; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 76%; trong năm 2024 xã đề ra mục tiêu giảm 7,5% số hộ nghèo. 

Trên toàn huyện Mèo Vạc, tổng số hộ nghèo đa chiều cuối năm 2023 là 10.331 hộ, tương đương tỷ lệ 58,65%. 

Ở xã biên giới Sơn Vĩ, gia đình ông Giàng Chứ Sình, ở thôn Lẻo Chá Phìn B, là một trong 20 hộ đang được thụ hưởng dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Khi được thông báo nằm trong diện thụ hưởng, ông đã trồng thêm 0,5 ha cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn cho vật nuôi, chuồng trại cũng được tu sửa lại.

Ông Sình chia sẻ từ khi được hỗ trợ bò sinh sản, gia đình ông tập trung chăm sóc tốt để bò sinh trưởng, phát triển tốt, sớm sinh bê con. Ông hy vọng đây sẽ là điều kiện giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo trong năm tới.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tổng đàn bò của huyện Mèo Vạc không ngừng tăng qua các năm. Để tạo thuận lợi cho người dân có nơi trao đổi, mua, bán bò, từ nhiều năm trước, huyện Mèo Vạc đã dành quỹ đất hơn 1.300m2 tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc để làm chợ bò. Bình quân mỗi phiên chợ bò có từ 200-300 con bò được người dân đem đến bán. Ngoài các thương lái ở huyện, phiên chợ cũng thu hút nhiều thương lái ở các tỉnh đến mua bò như Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...

Trên toàn tỉnh Hà Giang, để phát huy hiệu quả của mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, sinh sản nói riêng và các dự án chuyển đổi sản xuất, chăn nuôi, các địa phương đã chủ động hỗ trợ, hướng dẫn người dân tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ. Thông qua các trung tâm đào tạo nghề, các địa phương đã liên kết, phối hợp để tổ chức đào tạo ngắn hạn tại cơ sở, hình thức đào tạo "cầm tay chỉ việc" cho người dân. Trong năm 2023, hơn 20.000 lao động nông thôn được tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng, chủ yếu là các lớp đào tạo khuyến nông, chăn nuôi.

Việc nhiều hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận khoa học, được hỗ trợ giống, vốn, đã giúp nhiều hộ dân tỉnh Hà Giang vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo kết quả điều tra, rà soát, trong năm 2023 đã có hơn 13.000 hộ thoát nghèo, cận nghèo.