Giáo viên dạy thực hành lái ô tô phải có bằng trung cấp nghề, xe tập lái có niên hạn không quá 20 năm kể từ năm sản xuất… là những đề xuất sửa đổi mới nhất trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe.
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Nghị định 65/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe quy định tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe phải có bằng trung cấp.
Tại dự thảo sửa đổi nghị định trên được Bộ GTVT lấy ý kiến hồi tháng 9 vừa qua, cơ quan soạn thảo đã đề xuất hạ chuẩn của giáo viên dạy lái xe. Cụ thể, với giáo viên dạy thực hành lái xe chỉ cần tốt nghiệp THPT trở lên, kèm điều kiện có giấy phép lái xe tương ứng thời hạn từ 5 năm, lái xe an toàn từ 50.000km trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe do Sở GTVT địa phương cấp...
Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất, Bộ GTVT đã bỏ đề xuất này và quay lại tiêu chuẩn cũ: "Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp". Như vậy, với đề xuất mới, tiêu chuẩn của giáo viên dạy lái xe phải có bằng trung cấp nghề phù hợp với nghề lái xe.
Áp niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch
Bên cạnh việc giữ nguyên tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe, Bộ GTVT cũng đề xuất áp niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch hạng B1, B2.
Theo Bộ GTVT, hiện, cả nước có xấp xỉ 41.000 xe tập lái, trong đó xe tập lái hạng B chiếm 80% tổng số xe tập lái. Khoảng 4.300 xe sát hạch, trong đó xe sát hạch hạng B chiếm 90% tổng số xe sát hạch.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 95/2009/NĐ-CP về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô chở hàng và ô tô chở người, phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng với xe tập lái và xe sát hạch hạng C, D và E. Trong đó, hạng C không quá 25 năm, hạng D và E không quá 20 năm.
Như vậy, xe tập lái và xe sát hạch hạng B dù chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số xe được dùng trong lĩnh vực đào tạo, sát sạch nhưng lại không thuộc đối tượng áp dụng niên hạn.
Chưa kể, người điều khiển các loại phương tiện trên (học viên) chưa có đầy đủ kỹ năng, nên khả năng xử lý tình huống đối với phương tiện cũ thường yếu, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trong quá trình thực hành lái.
Từ thực tiễn trên, Bộ GTVT đề xuất áp dụng niên hạn đối với xe tập lái và xe sát hạch hạng B. Theo Bộ GTVT, việc này nhằm đảm bảo tính đồng nhất trong quản lý hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe, vốn là dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
“Ngoài ra, việc bổ sung niên hạn xe tập lái và xe sát hạch nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông đường bộ nói chung; nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe; thực hiện cam kết của Việt Nam đang cắt giảm khí thải để góp phần thúc đẩy Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26)”, Bộ GTVT lý giải.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mới đây đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét sửa đổi quy định về giờ học thực hành lái xe trên sân tập lái.
Quy định hiện nay về thời gian học trong sân tập lái là 41 giờ/học viên. Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 13 về đào tạo lái xe hạng B1, B2, C quy định: “Người học được xét cấp chứng chỉ đào tạo khi tham gia dự ít nhất 70% thời gian học lý thuyết; đạt tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường và đạt yêu cầu các nội dung kiểm tra khi kết thúc môn học”.
Như vậy, học viên chỉ được xét cấp chứng chỉ khi hoàn thành đủ 41 giờ trên sân tập lái. “Việc quy định thời gian học lái xe trong sân tập lái là 41 giờ/học viên là quá dài, trong khi đó nhu cầu thực tế mỗi học viên chỉ cần học từ 15 – 20 giờ là thuần thục kỹ năng. Việc quy định thời gian học quá dài chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sai phạm của một số cơ sở đào tạo thời gian vừa qua”, Hiệp hội ô tô Việt Nam kiến nghị.