- Xin chào luật sư tôi có một vấn đề mong luật sư tư vấn giúp đỡ. Ngày 27/07 vừa qua, vợ chồng tôi mua đât và căn nhà cấp 4 nằm trên đất với giá 570.000.000.

Chúng tôi đã đặt cọc trước 30.000.000 đồng, khi giao tiền làm giấy biên nhận giữa hai bên (không công chứng). Tuy nhiên vì điều kiện tài chính, chúng tôi không còn khả năng mua được nữa. Vậy trong trường hợp này tôi có lấy lại được tiền cọc không? Trong giấy biên nhận cũng không nói rõ về vấn đề này.

{keywords}
Tôi có được hoàn trả tiền đặt cọc mua nhà? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân Sự về Đặt cọc thì:

"1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác"

Bạn không cung cấp thông tin về nội dung giấy biên nhận tiền giữa bạn và bên bán nên chúng tôi không có căn cứ để tư vấn đầy đủ và chính xác về trách nhiệm của bạn trong việc từ chối giao kết hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên theo hướng dẫn tại phần 1 mục I Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP của Hội Đồng Thẩm Phán Toà Án Nhân Dân Tối Cao thì: "Trong trường hợp có tranh chấp về đặt cọc mà các bên không có thoả thuận khác về việc xử lý đặt cọc, thì việc xử lý được thực hiện như sau:

a. Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng không được giao kết hoặc không được thực hiện hoặc bị vô hiệu, thì phải chịu phạt cọc theo quy định tại khoản 2 Điều 363 BLDS.

b. Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mới có sự vi phạm làm cho hợp đồng không được thực hiện hoặc mới phát hiện hợp đồng bị vô hiệu thì không phạt cọc. Việc giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng hoặc xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo thủ tục chung.

c. Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định điều kiện nếu đặt cọc bị vô hiệu là hợp đồng cũng bị vô hiệu, thì hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu khi đặt cọc đó bị vô hiệu. Việc xử lý đặt cọc bị vô hiệu và hợp đồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 146 BLDS.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu trong giấy biên nhận đã nêu rõ số tiền 30 triệu là tiền đặt cọc thì ngay cả trường hợp 2 bên không thoả thuận về việc xử lý số tiền đặt cọc, bạn vẫn có thể bị phạt cọc nếu từ chối giao kết hợp đồng mua bán theo thoả thuận ban đầu.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh; Công ty Luật Themis; SĐT: 0986663459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc