Thời điểm từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, một số tỉnh ven Hà Nội như Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình,... sẽ đấu giá gần 200 lô đất, mức giá khởi điểm từ 2-33 triệu đồng/m2.

Chẳng hạn, 25 lô đất làm nhà ở tại xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu (Nam Định) được Công ty đấu giá hợp danh Xuân Trường thông báo sẽ tổ chức đấu giá vào chiều 23/3 tại hội trường UBND xã Hải Ninh.

Theo đó, diện tích các lô đất là từ 120-155 m2/lô, mức giá khởi điểm từ 2-7 triệu đồng/m2.

Hay 31 thửa đất tại khu đấu giá quyền sử dụng đất và giao đất ở Đồng Tướng, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cũng được Công ty đấu giá hợp danh Bình Minh Vĩnh Phúc tổ chức vào chiều 6/3 tới.

Các thửa đất có diện tích từ 98-131 m2/thửa và có mức giá khởi điểm từ 6-7 triệu đồng/m2.

Tại Thái Bình, quyền sử dụng 123 lô đất ở tại khu quy hoạch dân cư tại lô đất ở đô thị OĐT-8B, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy cũng sẽ được Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp Thái Bình tổ chức đấu giá vào chiều 7/3 tới.

Các lô đất có diện tích từ 90-284,4 m2/lô và mức giá khởi điểm từ 16,05-33,08 triệu đồng/m2.

Đất đấu giá vẫn có nhưng mức đầu tư thấp và không còn hấp dẫn như trước. (Ảnh: N.Lê)

Anh Quốc Toản, một nhà đầu tư lâu năm ở Hà Nội, chia sẻ, đầu tư vào đất đấu giá là sản phẩm có pháp lý an toàn bởi các lô đất do nhà nước lập quy hoạch và đưa ra đấu giá công khai. Mức giá ban đầu đưa ra phù hợp so với mặt bằng xung quanh và do chỉ có đất, không có nhà nên mức đầu tư các lô đất vừa phải.

Tuy nhiên, nhà đầu tư này cho rằng, đất đấu giá trong ngắn hạn có thể tăng rất nhanh nhưng trong dài hạn tỷ suất lợi nhuận không bằng các dự án của doanh nghiệp ở cùng phân khúc như đất nền và tốc độ đô thị hoá chậm.

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes, cho biết, thời gian qua, đất đấu giá vẫn có nhưng mức đầu tư thấp và không còn hấp dẫn như trước đây.

“Vài năm trước, đất đấu giá mức khởi điểm 10 triệu đồng/m2, người ta vẫn có thể trả lên 20-30% là chuyện bình thường và vẫn có thể bán qua tay nhanh. Còn bây giờ, đất đấu giá chỉ lên vài chục triệu đồng so với mức giá khởi điểm, nhưng sau đó muốn bán cũng khó, rất chậm”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, đất đấu giá thời điểm hiện tại không còn nhiều sức hút với nhà đầu tư. Thị trường đất đấu giá chủ yếu hút khách địa phương, họ mua để ở và đầu tư. Nhà đầu tư các nơi khác về tham gia đấu giá trước đây chiếm khoảng 50%, nhưng bây giờ họ gần như không có nhu cầu đi tỉnh khác đầu tư đất đấu giá.

“Tại thị trường địa phương, trước đây, tỷ trọng người mua để ở chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là các nhà đầu tư. Nhưng thời điểm này, các nhà đầu tư đó đều đang bị mắc vào việc không thanh khoản được nên việc tái đầu tư là không có. Bản thân nhiều nhà đầu tư cũng đang cắt lỗ 20-30% vẫn không bán được thì không có lý do nào đi đầu tư chỗ mới. Vì vậy, việc đưa các sản phẩm đấu giá hiện tại cũng sẽ bị cản trở bởi câu chuyện thị trường”, ông Chung cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng, các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi có yếu tố “xanh - chín”, “5 ăn - 5 thua”, có nhiều rủi ro vì phải đặt cọc số tiền không nhỏ. 

Theo ông Đính, nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi. Còn nếu nhà đầu tư “ôm” phải giá cao, buộc phải bán giá cao và việc này rất khó để có người mua và đường cùng là phải bỏ cọc. Tình huống này đã xảy ra rất nhiều ở các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang trước đây.

Với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, đất đấu giá cũng không còn là phân khúc thu hút nhà đầu tư như thời gian sốt nóng trước đó.