- Cha mẹ tôi đã mất cách đây nhiều năm không để lại di chúc, chỉ có 600m2 đất cho 7 người con, đứng tên cha tôi.

Trước đây khi còn sống, cha mẹ tôi nói cho 5 chị em 200m2 đất phía trước, còn lại phía sau 400m2 thì chia cho tôi và em trai tôi mỗi người 200m2. Trên phần đất của em trai tôi đã cất nhà được 5 năm và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế. Mẹ tôi mất trước cha tôi. Khi cha tôi bệnh hết tiền chữa trị, gia đình đã họp và thống nhất bán 200m2 đất lấy tiền chữa bệnh cho cha. Tôi đã mua 100m2 trên 600m2 đó nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ có giấy viết tay đủ chữ kí của các anh chị em.

Vậy nếu hiện tại chúng tôi không thống nhất được việc chia tài sản, pháp luật sẽ chia tài sản thừa kế như thế nào? Tôi có được quyền sở hữu hoàn toàn 100m2 đã mua của mình không?

{keywords}
Theo pháp luật thì chúng tôi được chia thừa kế thế nào (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Chia di sản thừa kế

Thời điểm bố mẹ bạn còn sống và để lại mảnh đất thì căn cứ vào Luật Hôn nhân và Gia đình 1986, Luật Hôn nhân gia đình 2000 thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. 

Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Nếu mảnh đất 600m2 mặc dù tên bố bạn nhưng nếu quyền sử dụng đất này có được sau khi kết hôn là tài sản chung của bố mẹ bạn. Bố mẹ bạn mất không để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo quy định của pháp luật. Điều 676 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó.”

Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn là 7 anh chị em bạn. Anh chị em bạn sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Bạn không nói rõ là bố mẹ bạn mất đã lâu chưa nên nếu hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, áp dụng quy định tại điểm 2.4 điều 2 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì trường hợp hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế nêu trên nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết thì di sản đó sẽ trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế. 

Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.

Thứ hai: Quyền sử dụng 100m2 đất đã mua.

Tại Khoản 2 Điều 689 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

"2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật."

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:

"3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này"

Luật Đất Đai 2013, Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Theo các quy định trên thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành hợp đồng có công chứng, chứng thực. Ở đây, bạn chỉ viết giấy tay, không lập thành hợp đồng và không có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất nên việc bạn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao dịch đó bị coi là vô hiệu.Trong trường hợp giao dịch vô hiệu các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, anh chị em bạn phải hoàn trả cho bạn số tiền đã nhận.

Thứ ba: Tranh chấp về chia di sản là quyền sử dụng đất.

Mọi tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, (phường, thị trấn) mà không thành thì có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai tại điều 203. Trong đó khoản 1 của điều luật có nội dung: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc