Số liệu trên được Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình thông tin tại báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV và cả năm 2023.

Cụ thể, tính đến hết quý IV/2023, trên địa bàn Thái Bình có 75 dự án nhà ở đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 21 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, 18 dự án thực hiện đấu giá và còn lại là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. 

Trong quý IV, tỉnh có 28 dự án phát triển nhà ở thương mại và 1 dự án nhà chung cư đang triển khai, cung cấp 372 căn chung cư và 4.375 căn nhà ở riêng lẻ. 

Có 28 dự án đất nền đã đầu tư xây dựng hạ tầng được phép chuyển nhượng với 10.462 nền. Một dự án nhà ở xã hội đang triển khai với 498 căn hộ.

Về số lượng giao dịch, trong quý IV/2023 toàn tỉnh có 609 căn nhà ở và 3.030 lô đất nền giao dịch thành công, tổng giá trị 1.737 tỷ đồng. 

Tính chung cả 2023, Thái Bình có 2.350 giao dịch nhà ở và 11.394 giao dịch đất nền với tổng giá trị 5.992 tỷ đồng.

thai binh vietnamnet.jpg
Một góc TP. Thái Bình nhìn từ trên cao. (Ảnh: thaibinhtv)

Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cho biết, từ quý IV/2022, thị trường bất động sản trải qua thời kỳ khó khăn, giao dịch mua bán bất động sản đình trệ. 

Theo Sở này, do các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất tăng cao; các vướng mắc về tính pháp lý của pháp luật về đất đai, nhà ở... chưa được tháo gỡ triệt để.

Trong bối cảnh đó, thị trường rơi vào trạng thái đóng băng, chờ đợi. Nhiều nhà đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng khó khăn.

Cùng với việc tiến độ giải phóng mặt bằng của một số dự án không đảm bảo đúng tiến độ theo hợp đồng, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, phức tạp cần giải quyết. Do đó, một số nhà đầu tư chưa yên tâm, tin tưởng dành nguồn lực tài chính để nộp giá trị nộp Ngân sách Nhà nước.

Tới cuối năm 2023, tình hình bất động sản tại địa phương có chuyển biến, song số lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu, đấu giá dự án bất động sản vẫn còn hạn chế.

Cũng theo Sở Xây dựng, một số dự án quy mô lớn có diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên 10ha phải thực hiện thủ tục xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, dẫn đến thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư kéo dài dẫn đến chậm triển khai thực hiện dự án.

Một số dự án ở giai đoạn trước còn tồn tại vướng mắc trong thủ tục giao đất thực hiện dự án.

Sở cho biết, hiện, UBND Thái Bình đã báo cáo gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo tháo gỡ.

Thái Bình là một tỉnh "đất chật, người đông", quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, thu hút FDI của tỉnh đạt trên 2,9 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022. 

Thái Bình cùng TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang là 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước.