- Các giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu giảm đã được Bộ Tài chính đề xuất. Chiều nay, bốn Bộ ngành gồm Tài chính, Công Thương, KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước sẽ họp bàn biện pháp chi tiết.

Hậu giảm giá dầu, kinh tế sẽ bùng nổ?

Chia sẻ hôm 20/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong báo cáo về tác động của giá dầu tới Việt Nam vừa gửi lên Thủ tướng, Bộ nhận định, giá dầu thế giới giảm là rất tốt cho nền kinh tế khi góp phần làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Các giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu giảm cũng đã được Bộ Tài chính đưa ra. Dự kiến, trong tuần này, bốn Bộ ngành gồm Tài chính, Công Thương, KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước sẽ họp bàn biện pháp chi tiết.

Bộ trưởng Dũng nhìn nhận: "Phương án dự toán ngân sách năm 2015 mà Quốc hội thông qua là với cơ sở giá dầu thô 100 USD/thùng. Nhưng tới nay, giá dầu đã xuống tới 47 USD/thùng rồi, dù ngày hôm nay cũng có tăng lên một chút. Điều này sẽ gây ra tác động rất lớn".

"Ngân sách sẽ giảm thu nhưng không phải là hụt thu. Tuy nhiên, năm nay vẫn có thể đảm bảo dự toán ngân sách vì Bộ đã có rất nhiều giải pháp tăng thu khác", ông Dũng nhấn mạnh.

{keywords}
PVN sẽ xem xét dừng khai thác dầu tại những mỏ có giá thành sản xuất cao

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi nếu giá dầu giảm quá sâu, thậm chí là tới mức 20 USD/thùng, các nguồn khác không bù đủ thì con số dự toán ngân sách có phải xin điều chỉnh hay không, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: "Khi đó, sẽ phải tính toán lại rất kỹ".

"Dự báo giá dầu được nhiều tổ chức đưa ra, có dự báo nói giá dầu có thể xuống còn 20-50 USD/thùng là kịch kim, nhưng cũng có dự báo tin rằng giá dầu sẽ ở mức 60-80 USD/thùng. Chưa biết thế nào, nhưng tình hình này có nhiều vấn đề phải tính toán", người đứng dầu ngành tài chính chia sẻ.

Ông cũng nói thêm: “Theo quy luật, nếu giá dầu xuống như thế nghĩa là khởi đầu cho một chu kỳ mới bùng nổ nền kinh tế toàn cầu. Với Việt Nam, về dài hạn thì điều này là tốt".

Chia sẻ với báo giới tại hội nghị tổng kết của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, giá dầu khó có thể quay lại mốc 100 USD/thùng. Dầu có thể xuống cực thấp nhưng sau đó, sẽ hồi phục và ổn định ở mức 60-70 USD/thùng. Như vậy, kế hoạch khai thác dầu của Việt Nam không bị ảnh hương lớn. Nhưng nếu giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng, dự toán ngân sách phải tính lại".

Tuy nhiên, giá dầu giảm cơ bản là mang lại sự hưng thịnh cho nền kinh tế. "Người ta đã tính, nếu dầu giảm 10%, GDP sẽ tăng 1%. Dầu giảm sẽ tạo điều kiện giảm chi phí, phục hồi tổng cầu của nền kinh tế", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Dầu khí bắt đầu giảm sản lượng

Giảm sản lượng khai thác dầu thô là điều đã được nhắc đến đầu tiên để giảm thiểu rủi ro giá dầu quá nguội lạnh.

Trong chiến lược ứng phó với sự lao dốc của giá dầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương phải tính toán lại giá thành của từng mỏ dầu tại Việt Nam, xem xét những mỏ nào có giá thành cao, mỏ nào có giá thành thấp. Trên cơ sở đó, Bộ này sẽ phải tính toán lại cơ cấu khai thác dầu thô.

{keywords}
Dầu còn giảm giá tới bao giờ, xuống bao nhiêu là điều khó dự báo

Hôm 16/1, Tập đoàn PVN cho biết đã cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô năm nay khoảng 500.000 tấn so với năm 2014.

Dự kiến, 4 mỏ có giá thành cao trong khoảng 60-70 USD/thùng sẽ được PVN tạm thời giãn, dừng khai thác. Tổng sản lượng khai thác ở 4 mỏ này khoảng 450.000 tấn, là những mỏ đa khai thác gần hết, hiện chỉ là tận thu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trước đó cũng đã đồng ý với việc tạm dừng, giãn hoãn những công trình khai thác dầu khí chưa cấp bách, nhưng đồng thời yêu cầu PVN không được hoãn công tác thăm dò, tìm kiếm dầu khí.

Ngoài ra, PVN còn dự kiến sẽ xây dựng kho bể chứa dầu thô với dung tích 1 triệu tấn, tăng dự trữ dầu thô ở các kho bể hiện nay phòng trường hợp mất cơ hội nếu giá dầu tăng trở lại.

Chỉ đạo tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn Than - Khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, dự báo 2015, giá dầu thô xoay quanh mức 60-70 USD/thùng, nhưng đây là không phải là giá kinh tế và sẽ không tồn tại lâu. Dù vậy, giá dầu thế giới xuống thấp trong nhiều năm qua và dự báo còn xuống thấp trong hai năm tới là điều rất đáng lo ngại. Nếu giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng thì Ngân sách Nhà nước sẽ giảm thu từ 50.000 đến 70.000 tỷ đồng. Năm 2014, PVN đóng góp ngân sách chiếm hơn 26% nên việc giảm thu đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu”.

Trong ngắn hạn, giá dầu giảm quá thấp đã khiến nhiều công ty trong ngành này hứng đòn thua lỗ. Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn bị lỗ lên tới 476 tỷ đồng, Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí khẳng định đang phải đối mặt với bài toán cân đối chi phí tài chính, còn Petrolimex thì lỗ mảng xăng dầu lớn đến mức kết quả lợi nhuận hợp nhất chỉ bằng 15% so với kế hoạch trước Đại hội đồng cổ đông.

Riêng PVN đã công bố các kịch bản doanh thu và nộp ngân sách giảm theo giá dầu. Năm 2014, với mức giá trung bình bán được là 103 USD/thùng, PVN nộp ngân sách 178.000 tỷ đồng. Năm 2015, nếu giá dầu trung bình ở mức 60 USD/thùng, PVN chỉ còn nộp ngân sách được khoảng 93.000 tỷ đồng, giảm 86.000 tỷ đồng. Và nếu xuống mức 40 USD/thùng, con số mà PVN có thể đáp ứng cho ngân sách chỉ còn khoảng 79.800 tỷ đồng.

Trong nội bộ tập đoàn này, các đơn vị thành viên đã được yêu cầu phải theo sát diễn biến giá dầu và cắt giảm mạnh các chi phí sản xuất. Song song đó, vẫn phải chuẩn bị các điều kiện kinh doanh khi giá dầu hồi phục trở lại, ví dụ như mua tài sản các công ty dầu khí nước ngoài...

Phạm Huyền