Chính quyền Tổng thống Trump thậm chí liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ.
Những ngôn từ và hành động đáp trả lẫn nhau giữa hai nước đã làm dậy sóng các thị trường toàn cầu và đe dọa nền kinh tế thế giới. Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết. Và nước này đang có trong tay một vũ khí vô cùng uy lực: Chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Về lý thuyết, Bắc Kinh có thể gây ra địa chấn ở các thị trường trái phiếu bằng cách bán tháo một phần số trái phiếu chính phủ Mỹ tổng trị giá 1,1 nghìn tỷ USD mà nước này đang sở hữu. Khi đó, giá sẽ sập, lợi tức (hoặc lãi suất) nhảy vọt còn chi phí vay mượn của người Mỹ sẽ tăng cao.
Nhưng có nhiều lý do mà Bắc Kinh không muốn "bóp cò". Thứ nhất, nó có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Thứ 2, nó có thể phản tác dụng đối với chính nền kinh tế của Trung Quốc.
"Có lẽ đó không phải là công cụ hiệu quả nhất có sẵn", CNN dẫn lời Brad Setser, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Các mối quan hệ đối ngoại và cũng là cựu kinh tế gia của Bộ Tài chính Mỹ.
Lựa chọn hạt nhân
Những ngày gần đây, Trung Quốc đã có nhiều bước đi để trợ giá đồng Nhân dân tệ, cho thấy sự giảm giá đồng nội tệ được trù tính như một tín hiệu cảnh báo. Nhưng Tổng thống Trump cũng có thể đáp trả, kể cả khi chính quyền của ông quyết tâm với các kế hoạch đàm phán thêm vào tháng 9.
Đây là một tình huống rất dễ leo thang, bởi có quan ngại việc Trung Quốc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ phát huy tác động.
Nếu Trung Quốc thực sự muốn gây hỗn loạn ở Mỹ thì nước này có thể sẽ vứt bỏ giá trị trái phiếu Mỹ bằng cách bán tháo ra thị trường. Điều này sẽ khiến lợi tức tăng đột biến. Và vì lãi suất trái phiếu Mỹ được xem là mốc đối chiếu cho tín dụng doanh nghiệp và tiêu dùng, nên nợ doanh nghiệp, thế chấp và các khoản vay tự động sẽ tăng lên, làm cho kinh tế Mỹ chững lại. Đồng đôla có thể chịu ảnh hưởng khi báo động lan rộng.
Bài toán hóc búa của Bắc Kinh
Trên thực tế, một bước đi như vậy chứa đựng nhiều rủi ro lớn, và không phù hợp với chiến lược hiện tại của Trung Quốc, theo Michael Hirson, chuyên gia thuộc hãng tư vấn Eurasia Group, người từng giữ vai trò trưởng đại diện của Bộ Tài chính Mỹ ở Bắc Kinh.
"Rõ ràng chúng ta đang trong một vòng xoáy ốc", ông Hirson nói. "Nhưng tôi nghĩ động lực chính hiện nay của Bắc Kinh trong cuộc thương chiến là phải trụ vững trước sức ép từ ông Trump".
Ở góc độ đó, việc bán tháo trái phiếu Mỹ có thể phản tác dụng. Nếu Bắc Kinh khởi sự một đợt bán tống trái phiếu Mỹ thì chính họ sẽ phá giá số trái phiếu còn lại trong tay.
Các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ thực hiện một đợt giảm giá có kiểm soát cho đồng Nhân dân tệ, nhằm hạ bớt áp lực đối với nền kinh tế mà không khiến dòng vốn thoái ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc bán tháo trái phiếu Mỹ sẽ làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn và trái phiếu.
"Nước này đang cần dòng vốn nước ngoài chảy vào để lót đệm cho đồng nội tệ trong thương chiến. Nếu vũ khí hóa các trái phiếu Mỹ, Trung Quốc sẽ phát đi thông điệp đáng báo động tới các nhà đầu tư toàn cầu", ông Hirson bình luận thêm.
Tác động đáng ngờ
Một câu hỏi nữa là liệu từ bỏ trái phiếu Mỹ có là đòn giáng trả Mỹ thực sự hay không. Brad Setser tỏ ra nghi ngờ điều này. "Thời điểm nó bắt đầu sẽ có một tác động tiêu cực lớn với Mỹ, Fed nhiều khả năng sẽ hành động", chuyên gia này nhận định.
Trong một báo cáo gửi tới Quốc hội Mỹ năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Fed (Cục Dự trữ liên bang) "có đầy đủ năng lực" để mua các trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc bán tháo ra thị trường nhằm hạn chế các hậu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc có rất ít lựa chọn để cất trữ 3,1 nghìn tỷ USD ngoại tệ quốc gia. Trái phiếu chính phủ Đức và Nhật cũng là một lựa chọn thay thế nhưng lại không có lãi. Mức lãi suất 1,63% của trái phiếu Mỹ loại 10 năm tốt hơn nhiều so với trái phiếu kỳ hạn tương đương nhưng lãi suất -59% của Đức. Điều này đồng nghĩa với việc phải trả cho chính phủ Đức thêm tiền để được cho Đức vay tiền.
Do vậy, đe dọa bán tháo trái phiếu Mỹ còn nằm đó trên bàn làm việc nhưng không hấp dẫn lắm với Trung Quốc hiện nay.
Thanh Hảo